Tin mới

Bắt người khác quỳ lạy mình có phạm tội?

Thứ tư, 10/08/2016, 08:36 (GMT+7)

Theo luật sư, nếu xác định được hành vi của “đàn anh giang hồ” là cố ý xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác, mong muốn người bị hại bị nhục và gây ra những tổn thương tâm lý, tinh thần cho người kia thì có thể xử lý về tội làm nhục người khác…

Theo luật sư, nếu xác định được hành vi của người đàn ông trong clip là cố ý xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác, mong muốn người bị hại bị nhục và gây ra những tổn thương tâm lý, tinh thần cho người kia thì có thể xử lý về tội làm nhục người khác…

[mecloud]FdLthjNZCi[/mecloud]

Mạng xã hội đang lan truyền đoạn video quay cảnh một người đàn ông đầu trọc chất vấn, bắt một thanh niên (được cho là ở nhà ở Văn Phú Hà Nội) quỳ lạy mình. Chưa dừng lại ở đó, một "đàn em" của người này còn chuẩn bị sẵn hai đống đá, sỏi xây dựng để bắt nam thanh niên chuyển sang quỳ lên đó.

Trong khi quỳ, nam thanh niên phải cầm điện thoại đọc toàn bộ tin nhắn liên quan đến vụ việc còn người đàn ông đầu trọc thì liên tục đe doạ "phải đọc cho đúng và chính xác nếu không muốn nát người". Mỗi lần đọc xong tin nhắn, nam thiên này lại chắp tay lạy nhiều lần...

Theo nội dung trong video, nam thanh niên bị "đàn anh" bắt làm vậy vì dám "xúc phạm danh dự" đại ca và các anh em ở tỉnh.

Nam thanh niên bị bắt quỳ lạy - Ảnh cắt từ clip

Đoạn video sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của Cộng đồng mạng.

Trước hành động của người đàn ông đầu trọc được cho là "đại ca giang hồ", nhiều độc giả thắc mắc liệu hành vi bắt nam thanh niên quỳ lạy rồi quay clip tung lên mạng có cấu thành tội “làm nhục người khác”?

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip... Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Nếu hành vi làm nhục người khác cấu thành một tội độc lập thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện.

"Theo nội dung vụ việc được báo chí phản ánh thì có thể thấy có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác.

“Đàn anh giang hồ” xuất phát từ tư thù cá nhân nên đã có hành vi bắt một người quỳ trên sỏi đá rồi đọc lời xin lỗi rồi bố trí người khác quay clip sự việc rồi tung lên mạng cho nhiều người xem nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người đó.

Tuy nhiên để xác định hành vi đó đã cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự hay chưa và xử lý các đối tượng theo luật hình sự hay xử phạt hành chính thì còn cần đến kết quả xác minh điều tra của cơ quan có thẩm quyền", ông Cường phân tích.

Theo đó, luật sư Cường nhận định, nếu xác định được hành vi trên của “đàn anh giang hồ” là cố ý xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác, mong muốn người bị hại bị nhục và gây ra những tổn thương tâm lý, tinh thần cho người kia thì có thể xử lý về tội làm nhục người khác.

"Ngoài ra những “đàn em” có hành vi giúp sức, thực hành cùng với “đàn anh giang hồ” với mục đích làm nhục người bị hại cũng có thể xem xét vai trò đồng phạm nếu quá trình điều tra có đủ căn cứ. Theo đó, nếu có dấu hiệu của tội làm nhục người khác thì khung hình phạt đối với hành vi ở trên là bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”, luật sư Cường nói thêm.

Điều 121. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Xem thêm video:

[mecloud]EGeduY1pgd[/mecloud]

Tiểu Phương (ghi)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news