Tin mới

Bé 17 tháng tử vong vì uống phải nước "lạ" trong lọ đựng tăm

Thứ năm, 14/05/2015, 16:06 (GMT+7)

Cha mẹ vắng nhà, bé 17 tháng tuổi Nguyễn Quốc H. (xã Hưng Đông, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) vô tình uống phải dung dịch "lạ" từ lọ đựng tăm vỡ và đã tử vong.

Cha mẹ vắng nhà, bé 17 tháng tuổi Nguyễn Quốc H. (xã Hưng Đông, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) vô tình uống phải dung dịch "lạ" từ lọ đựng tăm vỡ và đã tử vong.

Tràn lan mặt hàng chứa hóa chất độc hại!

Cái chết của bé Nguyễn Quốc H. (17 tháng tuổi, xã Hưng Đông, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) do uống phải dung dịch “lạ” từ lọ tăm vỡ ngày 9/5 vừa qua đang khiến dư luận hết sức xót xa. Được biết, dung dịch "lạ" cháu H. uống phải trong lọ tăm vỡ là dung dịch có chứa thủy ngân.[meme]tpefviuhzn[/meme]

Bố cháu là anh Nguyễn Văn Hải cho biết, anh chị đi làm và để hai đứa con ở nhà tự trông nhau. Cháu lớn 10 tuổi và cháu H. mới 17 tháng tuổi. Trong lúc chơi đùa với anh trai, cháu H. làm rơi lọ đựng tăm (chiếc lọ này nhà sản xuất có làm chứa dung dịch thủy ngân xung quanh để trang trí).

Khi lọ vỡ, thủy ngân đổ ra ngoài và cháu H. đã uống dung dịch thủy ngân, sau đó bất tỉnh. Khi đi làm về, thấy tình hình như vậy, anh Hải đã lập tức đưa con đến bệnh viện Nhi Nghệ An cấp cứu, sau đó cháu được chuyển ra Hà Nội chữa trị. Tuy nhiên do bị ngộ độc quá nặng nên cháu H. đã tử vong.

Cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ em trên phố Lương Văn Can.

Từ sự việc đáng tiếc của cháu Nguyễn Quốc H., PV báo ĐS&PL đã có cuộc khảo sát thị trường đồ gia dụng hiện nay và thấy rằng, những mặt hàng có chứa hóa chất độc hại vẫn được bày bán công khai, phổ biến tại các chợ và những cửa hàng trên các con phố của Hà Nội.

Điều đáng nói là hầu hết những đồ gia dụng có chứa chất độc hại đều nằm ở nhóm đồ dùng cho trẻ em như: Đồ chơi, vật dụng học tập... Đặc trưng của những mặt hàng này là thường có màu sắc rất sặc sỡ hoặc có chất phát quang hoặc có chất lỏng lạ. Nhiều bậc phụ huynh vì chủ quan sẵn sàng mua về cho con em mình sử dụng mà bỏ qua những mối nguy không thể lường trước.

Tại một cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can (Hà Nội), PV ghi nhận không thiếu bất cứ món đồ nào, từ “thượng vàng hạ cám” với đủ các loại kích cỡ, chủng loại và giá thành khác nhau.

Điều đặc biệt là các mặt hàng nằm trong nhóm chứa hóa chất độc hại vẫn được bày bán khá nhiều như que nhựa, vòng đeo tay, kính, cung cho đến đèn ngủ, thậm chí là cốc uống nước... Đặc trưng của những sản phẩm này là khi sử dụng sẽ phát sáng bằng đủ các loại màu sắc sặc sỡ trông rất đẹp mắt. Giá những sản phẩm này dao động từ 10.000 đến 100.000 đồng.

Không chỉ bày bán tràn lan những đồ chơi phát sáng, những đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm cũng được các chủ hàng giới thiệu nhiệt tình. Anh Hùng, chủ một cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã (Hà Nội) cho biết: “Hè năm nay những đồ chơi nhựa dẻo, có mùi thơm được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn.

Những mặt hàng như kèn, còi, bóng nhựa, mặt nạ, bờm tóc, tóc giả... rất được ưa chuộng vì mẫu mã bắt mắt và giá thành rẻ. Giá cả tùy loại nhưng chỉ dao động khoảng 5.000 đến 30.000 đồng/sản phẩm”.

Ngoài các mặt hàng đồ chơi, những đồ kỷ niệm, đồ văn phòng xuất xứ Trung Quốc có nguy cơ nhiễm độc cũng rất đa dạng về chủng loại, từ các mặt hàng thông dụng như lọ tăm, quả cầu thủy tinh, nhà mô hình cho đến bàn học sinh với đủ kích cỡ. Giá những mặt hàng này dao động từ 20.000 đến 100.000 đồng tùy từng sản phẩm. Đặc biệt là bàn học sinh được sơn và vẽ hình rất bắt mắt, rất dễ thu hút các em nhỏ.

Tại một cửa hàng thiết bị máy tính trên phố Nguyễn Tuân (Q. Thanh Xuân, Hà Nội), PV ghi nhận cửa hàng này bày bán những loại nhựa dẻo dùng để lăn bụi bàn phím hoặc những miếng nhựa dẻo để lau máy tính với giá rất rẻ (chỉ 15.000 đồng). Bao bì bên ngoài những mặt hàng này được ghi toàn bằng tiếng Trung Quốc, bên trong miếng nhựa dẻo được cấu tạo với đủ màu sắc sặc sỡ khác nhau và có mùi thơm rất kỳ lạ.

Nguy hiểm đã được báo trước

Trao đổi về nguy hiểm từ những vật dụng chứa hóa chất độc hại, PGS.TS. Trần Hồng Côn (khoa Hóa học, trường đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết: “Hiện nay những vật dụng có xuất xứ Trung Quốc bên trong chứa chất lỏng hoặc một số có chứa chất phát quang bên trong thực chất là một hỗn hợp gồm những chất hòa tan trong nước ở một nhiệt độ nhất định để tạo ra sự lấp lánh, bắt mắt.

Hầu hết những sản phẩm này đều có chất hữu cơ hoặc kim loại nặng nên tất cả đều độc hại, thậm chí còn rất độc hại. Tuy nhiên, những mặt hàng này đều là hàng trôi nổi, nhập lậu về Việt Nam nên các lực lượng chức năng không thể kiểm soát được.

Ai cũng biết rằng, hàng Trung Quốc mẫu mã thì vô cùng phong phú, bắt mắt, trong khi giá thành lại rẻ. Trong khi trình độ nhận thức, khả năng tài chính của người Việt mình còn thấp nên tham rẻ và nhiều trường hợp đáng tiếng đã xảy ra”.

Cũng theo PGS. TS. Trần Hồng Côn thì có ba cách cơ bản để phát hiện ra những đồ chơi có chứa chất độc hại. Thứ nhất là những vật dụng có chứa chất lỏng, nhìn bề ngoài rất óng ánh, đẹp mắt nhưng thực chất hầu hết đều độc hoặc rất độc nếu để con người tiếp xúc trực tiếp với nó.

Thứ hai là những vật dụng có chất phát quang, trông giống như lân tinh và thường được dùng để trang trí, làm đồ chơi. Thành phần tạo nên những chất này cũng toàn kim loại nặng và các chất hữu cơ tổng hợp. Thứ ba là những vật có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Những vật này hầu như đều được sơn bằng sơn công nghiệp nên rất độc hại.

Các chuyên gia đã cảnh báo nhiều về nguy cơ ngộ độc từ việc lạm dụng sơn công nghiệp trong sản xuất đồ gia dụng. Tuy nhiên do những mặt hàng này cũng chủ yếu nhập từ Trung Quốc (hoặc làm từ Việt Nam nhưng công nghệ Trung Quốc) nên nguy cơ nhiễm độc cũng rất cao.

“Hiện nay, nguy cơ người tiêu dùng phải đối mặt với những chất độc từ đồ gia dụng, đồ chơi rất cao nhưng ba dấu hiệu trên khá rõ ràng. Người dân nếu nhận thấy đồ dùng của mình như vậy thì không nên mua hoặc không nên sử dụng” – PGS. TS. Trần Hồng Côn nói.

 

Hiểm họa từ sản phẩm nhựa chứa melamine

Trong khi đó PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên khoa Công nghệ và sinh học Thực phẩm (trường đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết thêm: “Bên cạnh những mối nguy từ những vật dụng dùng hàng ngày, nhiều người còn vô tình dùng nó để đựng thức ăn, trong đó đặc biệt là các thùng sơn. Trong ngành sản xuất nhựa, họ thường dùng chất melamine, là chất keo trong gia công gỗ, dẫn xuất của thuốc trừ sâu…

Tuy nhiên, trên thị trường, sản phẩm nhựa từ melamine đang được đánh giá là hàng tốt nhất vì nó có ngưỡng chịu nhiệt cao hơn nhiều nguyên liệu sản xuất đồ nhựa khác. Đây là chất có nhiều trong các thùng sơn nhưng người dân lại không để ý, hay sử dụng nó đựng đồ ăn. Những dẫn chất còn tồn dư ở đó có thể ngấm ra thức ăn và gây ngộ độc”.

   

T. Xuân - P. Hiệu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news