Tại cơ quan điều tra, bà Mỳ đã khai nhận mình chính là thủ phạm cắt đứt lìa một phần ngón tay cái và gót chân cháu Hảo.
Cuối năm 2008, người trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước nói riêng và người dân cả nước nói chung bàng hoàng trước việc cháu Nguyễn Thị Hảo (5 tuổi) bị hành hung gây chấn động bằng việc bị cắt gân chân tay, thương tích đầy mình.
Người gây ra sự việc chấn động như vậy không ai khác chính là mẹ ruột của cháu là bà Nguyễn Thị Mỳ (SN 1975, ngụ Đức Hạnh, Phước Long, Bình Phước).
Tại cơ quan điều tra, bà Mỳ đã khai nhận mình chính là thủ phạm cắt đứt lìa một phần ngón tay cái và gót chân cháu Hảo. Theo đó, trưa 13/9/2008, khi đi làm vườn về thấy bé Hảo đang cầm kéo định cắt tờ bạc 100 nghìn đồng nên đã nổi giận rồi dùng luôn kéo đó cắt đứt lìa đầu ngón tay bé. Sau đó bỏ mặc Hảo khóc thét, đến chiều mới đi mua thuốc cho Hảo uống.
Bé Hảo được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng người già tàn tật trẻ em mồ côi Lộc Ninh. Ảnh báo Dân trí.
Tiếp đó, ngày 18/9/2008, bà Mỳ đang dùng dao Thái Lan cắt mướp ngoài vườn thì thấy Hảo leo lên cây dâu gần đó đùa nghịch. Thấy vậy, bà lấy luôn dao phạt ngang làm đứt gân gót chân bé.
Ngày 23/9/2008, CQĐT Công an huyện Phước Long đã trưng cầu Tổ chức giám định pháp y tỉnh, giám định tỷ lệ thương tật cháu Hảo. Ngày 25/9/2008, tổ giám định pháp y tỉnh xác định cháu Hảo bị 40% thương tích.
Với hành vi dùng kéo cắt vào tay con khi thấy bé nghịch tờ tiền và dùng dao chém vào gót chân con để phạt tội quậy phá, ngày 16/2/2009, Nguyễn Thị Mỳ đã bị tòa án nhân dân huyện Phước Long tuyên phạt 24 tháng tù giam.
Sau khi mãn hạn tù trở về nhà, đến cuối năm 2014, bà Mỳ làm đơn gửi lên chình quyền địa phương, Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Bình Phước và các ban ngành liên quan để xin nhận lại bé Hảo.
Tuy nhiên, theo tin tức tờ Dân trí, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã tham mưu cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức Hạnh đệ đơn đề nghị Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập tiếp tục hạn chế quyền nuôi dưỡng bé Hảo của vợ chồng bà Mỳ vì qua thực tế khảo sát hoàn cảnh gia đình bà Mỳ quá khó khăn.
Nhưng căn cứ theo Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, tòa đã bác đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức Hạnh vì không có cơ sở để tiếp tục hạn chế quyền nuôi dưỡng của gia đình đối với bé Hảo. Ngày 3/3/2015, Tòa án nhân dân huyện chính thức gửi quyết định trao trả quyền nuôi dưỡng bé Hảo cho bà Mỳ và ông Tước.
Cũng trên tờ Dân trí, ngày 5/3/2015, ông Lê Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, Sở đã được thông báo về quyết định của Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập về việc trao lại quyền nuôi dưỡng bé Hảo cho vợ chồng bà Mỳ. Sở đang chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, dự kiến trong tuần tới, sẽ đưa cháu về bàn giao cho gia đình tại UBND xã Đức Hạnh.
Vì vậy, ân hận về những việc mà mình đã gây ra cho con gái, bà Mỳ cho hay: “Tôi không dám mong sự cảm thông, chia sẻ của xã hội bởi tôi cũng hổ thẹn với chính bản thân mình mỗi khi nghĩ đến nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần đã gây ra cho bé Hảo cùng những đứa con khác. Tội lỗi tôi gây ra cho con mình, tôi đã bị pháp luật nghiêm trị. Nhiều người cho rằng, tôi xin nhận lại con vì khoản tiền hàng trăm triệu đồng các nhà hảo tâm đã giúp bé, nhưng vợ chồng tôi không tơ hào đến chuyện đó. Hảo là đứa con tôi mang nặng đẻ đau, tôi chỉ muốn bù đắp lại cho con những tháng ngày đau khổ và sự chia lìa bằng chính tình yêu thương của mình”.
Tiểu Hoa (Tổng hợp)