Theo các bác sĩ, trẻ bị sốc phản vệ thức ăn nói chung là trường hợp khó dự đoán trước, chủ yếu là cơ địa và thể chất của bé không thích hợp với từng loại thức ăn riêng.
Mới đây, một bệnh nhi ở Bình Dương được xác định bị sốc phản vệ do ăn cháo cá lóc. Bệnh nhi là bé gái 6 tháng tuổi, sau khi ăn dặm bằng cháo cá lóc khoảng 30 phút thì có dấu hiệu tím tái, nổi mề đay và khó thở. Theo các bác sĩ đây là trường hợp sốc phản vệ khá hy hữu, hiện bé đã cai máy thở, tiếp tục điều trị chống sốc và theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
Theo PGS TS BS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm dị ứng và miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn dị ứng miễn dịch lâm sàng (Đại học Y Hà Nội) cho biết: Trường hợp bệnh nhi ở Bình Dương sau khi ăn dặm bằng cháo cá lóc có dấu hiệu mề đay và khó thở thì có thể kết luận là sốc phản vệ. Biểu hiện sốc phản vệ dựa trên 4 yếu tố gồm biểu hiện ngoài da, hô hấp, tim mạch và tiêu hóa.
Đối với trẻ em có ông bà, bố mẹ hoặc anh chị em mắc các bệnh như: hen, viêm mũi dị ứng, mề đay hoặc một số bệnh về viêm da dị ứng thì trẻ rất dễ mắc dị ứng nói chung và sốc phản vệ thức ăn nói riêng.
"Dị ứng cũng rất khó dự đoán trước, vì có thể trẻ trước đó ăn thức ăn đó không việc gì nhưng lúc khác lại có thể bị. Điều này còn phụ thuộc vào từng loại cá, môi trường cá sống có bị hiễm độc hay không hoặc thể chất của bé thời điểm ăn thức ăn đó không tốt. Nếu trẻ đang bị sốt, viêm mũi hoặc một bệnh do viêm thì dễ bị mắc dị ứng hơn", ông Đoàn nói.
Về dấu hiệu giúp sớm nhận biết sốc phản vệ thức ăn, bác sĩ Đoàn cho biết, sau khi dùng xong thức ăn trung bình khoảng 1 giờ nếu xuất hiện các dấu hiệu khác thường về ngoài da, hô hấp, tiêu hóa thì phải đến ngay cơ sở, trung tâm y tế gần nhất để được điều trị, không nên tự ý dùng thuốc.
Cũng theo bác sĩ Đoàn, những thức ăn càng nhiều đạm, dầu thì càng dễ bị dị ứng. Những người có cơ địa hay dị ứng phải hết sức thẩn trọng trong việc chọn lựa thức ăn.
Dã Quỳ