Theo VnExpress và Tiền Phong, chị P.T.H.N (36 tuổi, ngụ phường Linh Đông, TP Thủ Đức) bức xúc cho biết, chị vừa rút hồ sơ học của con trai lớp lá ở Trường mầm non Ngôi Nhà Hạnh Phúc (ngụ cùng phường) do không chấp nhận được cách giáo dục cũng như hành xử của nhà trường.
Sự việc xảy ra vào ngày 4/1 khi con trai chị nô đàu, đẩy ngã một bạn khiến bé này lung lay hai răng cửa. Sau khi biết chuyện, chị đã yêu cầu con vào lớp xin lỗi bạn.
Hai ngày sau, chị bất ngờ nhận tin cô giáo đã chuyển con mình sang lớp khác mà không hề thông báo cho phụ huynh. Thậm chí cô giáo còn cô lập cháu, tách riêng cháu trong giờ học và cho cháu ngủ ở một góc.
Vài hôm sau, con trai chị N đi học về thì la khóc, không chịu ăn uống. “Tôi gặng hỏi thì bé nói cô giáo đã cho cả lớp "lêu lêu" con vì con không ngoan. Tôi thật sự sốc khi nghe những lời của bé kể”, chị N nói. Sau khi phụ huynh làm việc với trường, hiệu trưởng và các giáo viên trong buổi học đã xin lỗi vì việc trên.
Đến ngày 19/1, Trường mầm non có hẹn chị N. đến làm việc. Trong buổi làm việc này, chị được thông báo rằng các phụ huynh khác không đồng ý cho con mình học cùng bé vì bé "bất ổn tâm lý, quấy phá, gây nguy hiểm".
Hiệu trưởng yêu cầu, nếu gia đình muốn để con theo học tiếp thì chấp nhận trong lớp có giáo viên cách ly trẻ, hạn chế cho trẻ chơi với các bạn. Đồng thời, phụ huynh phải viết cam kết con không được gây nguy hiểm cho trẻ khác.
Không đồng tình với cách hành xử của nhà trường, chị N đã rút hồ sơ của con trai dù chỉ còn mấy tháng nữa là kết thúc chương trình học để chuẩn bị vào lớp 1.
Liên quan đến vụ việc này, bà Nguyễn Thị Nhàn, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngôi Nhà Hạnh Phúc, thừa nhận khuyết điểm của nhà trường và đã xin lỗi đến phụ huynh.
Về việc yêu cầu người mẹ ký cam kết, bà Nhàn nói đó là ý kiến của các phụ huynh trong một buổi họp (chị N. xin vắng mặt). "Tôi truyền đạt thông tin cuộc họp đến mẹ bé chưa thấu đáo, khiến chị hiểu nhầm. Tôi xin nhận khuyết điểm", bà Nhàn nói.
Tiếp nhận phản ánh của phụ huynh, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủ Đức đã yêu cầu trường mầm non giải trình. "Quan trọng nhất vẫn là tâm lý của trẻ. Chúng tôi yêu cầu trường nhìn nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và phê bình trường", một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Thủ Đức cho biết.