Tin mới

Bố đơn thân nuôi 2 con bại não: Có thể tránh được "định mệnh"?

Thứ hai, 04/07/2016, 19:30 (GMT+7)

"Ở nhiều trẻ bại não, bệnh không biểu hiện bằng hình thể thì không thể thấy được qua hình ảnh siêu âm mà chỉ có thể được phát hiện qua làm gen và khám lâm sàng" - Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

"Ở nhiều trẻ bại não, bệnh không biểu hiện bằng hình thể thì không thể thấy được qua hình ảnh siêu âm mà chỉ có thể được phát hiện qua làm gen và khám lâm sàng" - Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Vừa qua, báo chí đăng tải thông tin về trường hợp của hai cháu trai bị bệnh bại não rất thương tâm. Đó là cháu Đặng Hữu Toàn (sinh năm 2004) và cháu Đặng Hữu Tùng (sinh năm 2007). Hai cháu là con ruột của anh Đặng Hữu Nghị (sinh năm 1977, quê ở Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Theo chia sẻ của anh Nghị, trước đây, trong quá trình mang bầu cháu Toàn, vợ anh vẫn đi thăm khám và siêu âm định kỳ nhưng không phát hiện dấu hiệu gì bất thường. Đến khi sinh, cháu nặng hơn 2kg. Bác sỹ tại bệnh viện cũng nói cháu chỉ bị nhỏ hơn so với những đứa trẻ khác chứ không có gì bất thường. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm đầu tiên, cháy có nhiều biểu hiện như không tăng cân, đầu nhỏ, hay sốt và quấy khóc nên gia đình đưa cháu đến các bệnh viện để khám. Tại đây, cháu được kết luận bị bệnh bại não.

Sau khi sinh đứa con đầu không được bình thường, vào năm 2007, vợ chồng anh Nghị sinh cậu con trai thứ hai, đặt tên Đặng Hữu Tùng. Thế nhưng, khi thấy cháu mãi không thấy lớn, cộng với có nhiều biểu hiện giống với người anh nên vợ chồng anh Nghị lại đưa con đi kiểm tra và kết quả là cháu cũng bị bại não.

Việc sinh liên tiếp 2 đứa con bại não khiến vợ chồng anh Nghị ám ảnh, không dám sinh thêm con vì sợ lại lặp giống hai trường hợp trước. 

Anh Nghị gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc hai con trai bị bại não. Ảnh: Internet

Trao đổi với phóng viên về bệnh bại não ở trẻ, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh bại não là sự mất một hay nhiều chức năng của não bộ. Bệnh này thường gặp trong quá trình trẻ đang trong bào thai, trong quá trình sinh và trong những năm đầu phát triển của trẻ. Có nhiều dạng bại não ở trẻ và mỗi dạng bại não khác nhau sẽ có những biểu hiện khác nhau.

"Có một số bệnh bại não do bẩm sinh nhưng cũng có một số bệnh do mắc phải. Cụ thể, trẻ có thể bị bại não do trong quá trình mẹ mang thai bị nhiễm vi trùng, vi-rút; hoặc trong quá trình sinh con, sản phụ gặp các tai biến sản khoa như sinh non, thời gian chuyển dạ kéo dài; hoặc sau khi sinh, trẻ tự mắc phải một số bệnh như viêm não, viêm màng não... Do đó, cần phải có sự kiểm tra của y khoa để xác định chính xác đó là bại não dạng nào để có hướng điều trị cụ thể" - bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng nhận định.

Theo bác sỹ Dũng, ở nhiều trẻ bại não, bệnh không biểu hiện bằng hình thể thì không thể thấy được qua hình ảnh siêu âm mà chỉ có thể được phát hiện qua làm gen và khám lâm sàng. Trong quá trình tư vấn, bác sỹ sẽ cho thông tin cụ thể là bại não bẩm sinh hay do mắc phải. Trường hợp nếu bại não ở trẻ có nguyên nhân từ việc mẹ bị nhiễm các loại vi-rút thì người mẹ nhất định phải đi chữa để dứt điểm đế hạn chế  việc sinh ra con bại não trong lần sinh tiếp theo. 

Thông tin thêm về bệnh bại não ở trẻ, một chuyên gia về nhi khoa cho biết, trẻ bị bại não được phân chia theo 4 mức độ khiếm khuyết là: nhẹ (trẻ vẫn đi lại được, không cần trợ giúp, học được nhưng hơi kém); vừa (trẻ giảm khả năng tự chăm sóc và di chuyển, có khiếm khuyết cần phục hồi vận động và tiếng nói, trí tuệ); nặng (không tự đi được, vịn đứng được, nói được ít từ đơn) và rất nặng (trẻ không ngồi được, cổ không mang nổi đầu, không nói được). 

"Để có thể giúp trẻ bị bại não phục hồi được tốt nhất và hòa nhập với cuộc sống, gia đình nên phát hiện và đưa trẻ tới khám càng sớm càng tốt, tùy thuộc vào cân nặng; trẻ 6 tháng tuổi bị bại não đã có thể điều trị - chuyên gia nhi khoa cho biết.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news