Để giải phóng mặt bằng dự án xây dựng nhà ở thương mại, dịch vu, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp với trường ĐH KHXH & NV đã tiến hành khai quật 8 ngôi mộ cổ tại phường An Phú (Q2, TP.HCM).
8 ngôi mộ cổ này nằm gần Pháp viện Minh Đăng Quang, sát Xa lộ Hà Nội, các khu mộ vốn nằm trên khu đất cao ráo nhưng do quá trình san lấp mặt bằng xây dựng dự án từ năm 2004 đã khiến hiện trạng quần thể mộ bị ngập chìm trong nước, sình lầy.
Khu mộ cổ được xây bằng đá ong với kết cấu, trang trí được đánh giá độc đáo, gồm tượng mô phỏng hình sập chân quỳ ở các bệ thờ, mái lợp giả ngói âm dương, trụ búp sen và bình phong...
Theo đó, kết cấu từ ngoài vào trong bao gồm: Bình phong tiền, cửa – cổng mộ, sân thờ, huyệt mộ, bình phong hậu, bao quanh là tường thành và các trụ biểu – trụ sen. Hướng mộ đều nhìn về hướng Tây. Có hơn 10 ngôi mộ trong quần thể mộ tuy nhiên một số đã bị phá hủy, cải táng, chỉ còn lại 8 ngôi mộ.
Quan tài với nắp đậy bằng 1/3 thân cây gỗ phát lộ trong lòng huyệt |
Những chủ nhân trong các ngôi mộ được táng bằng kỹ thuật sử dụng nhựa thông, bảo quản bằng các hạt thực vật chống khuẩn, chiếu cói, than tro... Trong đó, có những mảnh nhựa thông dày từ 5 – 7cm, được quấn xung quanh xác. Theo các nhà nghiên cứu, đây là kiểu đặc trưng của những người người Việt ở miền Bắc di cư vào Nam.
Quan tài trong các ngôi mộ cổ làm bằng gỗ kết hợp cùng một số chất liệu khác, với lối vẽ hoa cúc và trạm trổ sơn son thiếp vàng. Tuy nhiên, phần lớn các di cốt đã mục nát không còn nguyên vẹn. Trong lúc khai quật các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều hiện vật, bao gồm các mảnh vải, cúc áo bằng thủy tinh và đá mã não. Ngoài ra, còn khá nhiều các mẫu gốm sứ, thủy tinh, tuy nhiên hầu hết đã bị phá hủy nằm xáo trộn tại nhiều vị trí.
Đoàn khảo cổ thực hiện làm sạch mặt bằng trước khai quật |
Phát lộ các dấu tích kiến trúc mộ trong quá trình khai quật |
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP HCM Hoàng Anh Tuấn cho biết: "Khu mộ song táng khá đặc biệt so với những mộ cổ trước đây. Các di vật thu được có tấm bia khắc chữ Đại Nam cũng tiết lộ về tuổi của các ngôi mộ".
Sở Văn hóa thành phố cho biết, để phục vụ công tác nghiên cứu tìm hiểu nên sẽ phục dựng kiến trúc tại quần thể tại khu mộ Gò cây Quéo (Phường Bình Trung Đông, quận 2).
Ông Lương Chánh Tòng, Thư ký của dự án cho biết: "Hiện chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu phân tích các mẫu vật thu được, Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin đến người dân".
Phát hiện dấu tích vải có nguồn gốc từ phương Tây ở thế kỷ 19 tại nơi khai quật
Các loại hình đạn, vũ khí trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tìm thấy trong quần thể mộ phản ánh những sự ác liệt của vùng đất liên quan đến việc chiếm và giữ cầu Sài Gòn
Bài: Chí Công
Hình ảnh: Lương Chánh Tòng