Bị cáo Phạm Công Danh và luật sư mong HĐXX buộc VNCB trả lại 4.500 tỷ đồng mà NHNN không cho tăng vốn điều lệ để khắc phục hậu quả.
7 luật sư của Phạm Công Danh mong muốn tòa xem xét cấn trừ khoản tiền tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ đang nằm trong dòng tiền của VNCB vào phần thiệt hại mà cáo trạng truy tố các bị cáo là gây thiệt hại.
Luật sư Chu Mạnh Cường bảo vệ cho bị cáo Phạm Công Danh hỏi đại diện Ngân hàng xây dựng: Về khoản dư nợ cho vay khách hàng tăng 1.851 tỷ đồng thực hiện trong tháng 2/2014 cho các công ty như Cường Tín, Phước Đại… có phải là một phần trong khoản 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ không?
"Tiền khi hòa vào dòng tiền rồi thì sẽ được sử dụng chung chứ không thể xác định có phải thuộc 4.500 tỷ không", người đại diện này trả lời.
"Nếu các giao dịch từ tháng 2 đến tháng 4 mà chưa có khoản tiền 4.500 tỷ tăng vốn thì có thực hiện được không?", luật sư hỏi tiếp. Về phần câu hỏi này, đại diện Ngân hàng Xây dựng khẳng định là tiền ghi vào hệ thống ngân hàng khi có thì sử dụng, khi không thì không.
Luật sư hỏi tiếp: Khoản 400 tỷ đồng là của bị cáo Danh vay ACB hay VNCB vay? "Theo hồ sơ thì là khoản vay của VNCB", đại diện VNCB nói.
"Nói như vậy thì chắc tôi không cần hỏi câu hỏi cuối là ai là người sử dụng nữa vì rõ ràng theo xác định thì là VNCB sử dụng các khoản tiền này để tất toán khoản vay từ các ngân hàng khác. Tuy nhiên, cáo trạng lại truy tố các bị cáo là sử dụng", luật sư nhấn mạnh.
Cũng bào chữa cho bị cáo Danh, luật sư Hà Hải hỏi đại diện Ngân hàng Xây dựng: Có phải nhóm ông Phạm Công Danh gửi 4.500 tỷ vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ không? Người đại diện trả lời là có nhưng đính chính là không có dư liệu khẳng định là "nhóm Phạm Công Danh".
Luật sư Hà Hải giải thích gọi nhóm ông Danh chỉ để nói về 22 cá nhân có gửi 4.000 tỷ dồng vào VNCB để tăng vốn điều lệ. Luật sư hỏi, nhóm này có rút lại khoản tiền này không thì vị đại diện VNCB trả lời: Từ khi ngân hàng CB được mua với giá 0 đồng và chúng tôi tiếp quản thì không có dữ liệu rút ra còn trước đó thì đã giao hết dữ liệu cho cơ quan điều tra, chúng tôi không có dữ liệu.
"Vậy có phải từ khi NHNN từ chối không cho VNCB tăng vốn điều lệ thì phải trả tiền lại cho cổ đông không?", luật sư Hải hỏi tiếp. "Vấn đề này luật sư cần hỏi đại diện VNCB thời điểm đó chứ không thể hỏi ngân hàng CB mới. Vấn đề đó xử lý từ trước khi NHNN chứ ngân hàng CB không sử dụng đồng tiền nào từ tăng vốn hết", người đại diện trả lời.
Đến đây luật sư Hà Hải hỏi thân chủ Phạm Công Danh: Bị cáo mong muốn HĐXX buộc Ngân hàng CB phải trả lại 4.500 tỷ đồng, truy thu 2.760 tỷ mà ông đã trả lãi trái quy định cho nhóm ông Trần Quý Thanh không? Nếu được thu hồi thì nguyện vọng của ông dùng số tiền này vào việc gì?
"Thưa, đây là nguyện vọng của tôi. Tôi dùng số tiền đó để khắc phục hậu quả. Mong HĐXX xem xét", bị cáo Danh trả lời.
Bị cáo Phạm Công Danh.
BIDV khẳng định cho vay đúng
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi đại diện BIDV ban hành các quy định, quy trình có tuân thủ các điều kiện cho vay theo quy định tại Điều 7 Quyết định 1627 của NHNNVN hay không?
Đại diện BIDV bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Ban Pháp chế trả lời, BIDV đã ban hành Quy chế cho vay, quy trình cho vay. Ngoài ra, BIDV cũng có các văn bản hướng dẫn trình tự thủ tục, các sản phẩm tín dụng đặc thù cho từng phân khúc khách hàng, nhóm đối tượng khách hàng và yêu cầu, khả năng kiểm soát rủi ro trong từng thời kỳ của BIDV. Các quy định này vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật (Luật TCTD, Quy định 1627 nay là TT39).
Về quy trình cho vay đối với 12 công ty "ma" của Phạm Công Danh theo gói sản phẩm 4 nhà, bà Phương cho biết BIDV đã cùng với các NHTM khác đề xuất NHNN ban hành cơ chế, Chính sách về gói liên kết 4 nhà (Ngân hàng- Chủ đầu tư- Nhà thầu - Nhà cung cấp VLXD). Và trong điều kiện tăng trưởng tín dụng khó khăn, nguồn vốn khả dụng của BIDV đang dư thừa lớn gây lãng phí vốn, nên BIDV thấy cần thiết phải mở rộng tìm kiếm khách hàng, cấp tín dụng.
"Khi VNCB giới thiệu 12 khách hàng vay vốn, qua đánh giá ban đầu nhận thấy các khách hàng này có mục đích vay phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với gói tín dụng 4 nhà, việc cho vay mang lại hiệu quả về kinh tế cho BIDV, nên sau khi xem xét, Hội sở chính đã phê duyệt chủ trương cấp tín dụng và giao 4 chi nhánh ở TP HCM", bà Phương nói.
Luật sư: Cơ sở nào để Hội sở chính phê duyệt chủ trương cấp tín dụng cho 12 công ty này? Đại diện BIDV: Sau khi nhận được hồ sơ ban đầu của khách hàng kèm theo văn bản giới thiệu của VNCB, ngân hàng đánh giá các khoản vay đều được cam kết có bảo đảm bằng tài sản hợp pháp, hợp lệ với giá trị tài sản bảo đảm được cam kết lớn hơn giá trị khoản vay, khoản vay sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho BIDV…
Vì vậy, Ban KHDN đã có Tờ trình đề xuất đề nghị Ban Lãnh đạo phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với 12 khách hàng.
Bà Phương khẳng định: "Qua công tác kiểm tra, chúng tôi thấy các chi nhánh đã thực hiện cấp tín dụng cho các khách hàng theo quy định về trình tự, thủ tục về cấp tín dụng theo quy định và chủ trương cấp tín dụng đã được phê duyệt tại các văn bản ủy nhiệm của Hội sở chính".