Để trẻ có thể tự giác học bài mà không cần nhắc nhở nhiều lần, cha mẹ cần phải khéo léo uốn nắn, tạo cho trẻ một số nề nếp, thói quen những ngày đầu đi học.
Dạy con tự soạn sách vở khi bắt đầu đi học
Để trẻ tự giác học bài, cha mẹ cũng cần phải biết cách tạo điều kiện và hình thành thói quen cho trẻ. Ảnh: Internet |
Trẻ rất thích tự mình làm một vài việc. Vì thế ngay trong ngày đầu tiên của năm học lớp 1, các mẹ nên thống nhất với con sẽ để chúng tự soạn sách vở hàng ngày, và các mẹ chỉ cần giám sát, kiểm tra, nhắc nhở bé nếu bé soạn vở thiếu. Có thể ban đầu bé sẽ chưa nhớ, nhưng nhiều lần sẽ thành thói quen. Ngoài ra, do mới chập chững đi học nên các bé chưa biết hết các mặt chữ, nên mẹ có thể sáng tạo bằng cách cắt hình tròn các màu sắc để dán vào các môn cho bé ghi nhớ, ví dụ như màu vàng dán vào môn tiếng việt, màu xanh dán vào môn toán, màu đỏ vào tiếng Anh…Ban đầu, bé chỉ cần nhìn vào các màu, để biết mai học môn gì và tự cho sách vở vào cặp
Tạo cho con 1 góc học tập thích hợp
Trẻ nhỏ rất dễ bị phân tâm nên nếu thấy xung quanh ồn ào, hoặc anh chị em đang chơi, trẻ sẽ không thể tập trung để học bài. Góc học tập nên xa Tivi, xa đồ chơi và nơi mọi người trong gia đình ngồi nói chuyện. Bàn học vừa với chiều cao của trẻ, và đầy đủ ánh sáng.
Để con tự nghiệm ra hệ quả khi quên làm bài tập
Mặc dù mẹ có thể đăng ký thư điện tử và nhận được tin nhắn của cô giáo hằng ngày về bài tập trẻ cần làm ở nhà, nhưng lời khuyên dành cho cha mẹ là không cần phải nhắc nhở con, cũng không nên quá lo lắng khi con quên chưa làm bài tập và bị điểm kém. Việc cha mẹ cần làm là hãy dạy bé có thói quen tập trung lắng nghe lời thầy cô dặn trên lớp, tự chép vào vở đầu bài và tự học khi về nhà. Sau vài lần quên làm bài tập và bị điểm kém, bé sẽ đi vào nề nếp ngay thôi.
Tạo ra 1 thói quen học tập nề nếp, và duy trì đều đặn, chính xác hàng ngày
Ví dụ ngày nào cũng vậy, đúng 8 giờ tối là con ngồi vào bàn học bài. Nếu hôm nào không có bài tập về nhà thì sẽ dành thời gian học đó để cùng đọc sách, viết chính tả v.v.. Nếu 1 số ngày trong tuần, ví dụ thứ 5 hàng tuần con học vẽ đến 8 giờ tối, cha mẹ có thể điều chỉnh riêng cho ngày thứ 5, 8h30 tối con mới bắt đầu học bài.
Tuyệt đối không ngồi kèm trẻ
Bước vào tiểu học là trẻ bắt đầu tập làm quen với việc đi học. Nhiều gia đình thường dành thời gian buổi tối để "kèm thêm" con, để đảm bảo rằng con đã hoàn thành tốt mọi bài tập về nhà được giao. Tuy nhiên, việc này có thể gây nên hậu quả: Trẻ thấy bố/mẹ luôn nhắc nhở để đảm bảo mình hoàn thành bài tập đầy đủ, đúng hạn, như vậy mình không cần phải lo gì cả. Việc học sẽ là trách nhiệm của người lớn. Nếu bố mẹ không nhắc thì trẻ không ngồi vào bàn. Việc bố mẹ luôn bắc ghế ngồi cạnh để đảm bảo con tập trung làm bài khiến trẻ “tranh thủ xả hơi” khi ta đứng dậy. Lâu dần trẻ hình thành thói quen lơ đãng khi không có người ngồi kèm.
Ở tuổi này, học giỏi không cần là mục tiêu số một của việc học. Niềm yêu thích, sự tự giác học và học tập hiệu quả mới là thứ phụ huynh cần rèn cho con. Bởi càng lên cao, sự học vì nỗ lực bền bỉ của chính bản thân con mới là nhân tố chính giúp con đi lâu dài trên con đường học hành, nghiên cứu.
Không tạo ra các hình thức thưởng phạt liên quan đến bài tập về nhà
Cách này khiến trẻ có xu hướng học để được thưởng chứ không tự giác học cho bản thân. Ngoài ra làm như vậy có thể sẽ tạo ra stress cho trẻ, khiến chúng phải làm mọi cách để tránh bị phạt và được thưởng. Hoặc tệ hơn nữa, đến 1 lúc nào đó, trẻ cảm thấy phạt hay thưởng cũng chẳng quan trọng với chúng nữa, và sẽ chẳng còn muốn học.Trẻ nhỏ rất dễ bị phân tâm nên nếu thấy xung quanh ồn ào, hoặc anh chị em đang chơi, trẻ sẽ không thể tập trung để học bài. Góc học tập nên xa Tivi, xa đồ chơi và nơi mọi người trong gia đình ngồi nói chuyện. Bàn học vừa với chiều cao của trẻ, và đầy đủ ánh sáng.
Lê Vy (tổng hợp)