"Khoan một giếng nước đường kính 15cm trở lên đã phải báo cáo với chính quyền. Vậy nên việc Bí thư huyện ủy tự ý đào hầm xuyên núi rộng tới hơn 1,5m bị coi là hành vi vi phạm" - Luật sư Lê Văn Thiệp cho biết.
Vừa qua, vụ việc Bí thư huyện ủy Tây Giang Bríu Liếc (ở Quảng Nam) đào hầm dài gần 100m xuyên qua núi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. Chia sẻ ý kiến về vụ việc, Luật sư Lê Văn Thiệp - Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, nếu đúng như thông tin mà báo chí đã phản ánh thì dù đào hầm xuyên núi để chứa rượu hay phục vụ mục đích nào khác thì hành vi của Bí thư Huyện ủy Tây Giang vẫn bị coi là vi phạm.
Bí thư huyện ủy tự đào hầm xuyên núi để chứa rượu bị coi là hành vi vi phạm. Ảnh: VnExpress |
Theo phân tích của Luật sư Lê Văn Thiệp, trong trường hợp này, việc đào hầm là hành vi tác động làm mất tình trạng nguyên trạng của đất, ảnh hưởng tới nguồn nước và gây nên các tác động khác đối với môi trường nên không thể tùy tiện. Đất đai vốn thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, người dân chỉ có quyền sử dụng. Cụ thể, Bí thư huyện ủy khẳng định hầm được đào trên phần đất của ông, do đó, việc đào hầm không hề vi phạm. Tuy nhiên, theo quy định, muốn khoan một giếng nước có đường kính từ 15cm trở lên đã phải xin phép chính quyền sở tại. Đằng này, Bí thư lại tự tiến hành đào hầm lớn, xuyên sâu vào núi sâu hàng trăm mét và đào liên tục trong suốt nhiều năm như vậy mà không báo cáo Sở Tài Nguyên Môi trường thì đã vi phạm rất rõ.
Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, cần phải xử lý nghiêm việc đào hầm của Bí thư huyện ủy |
"Đặt một tình huống giả định là nếu sắp tới đây, sau việc làm của Bí thư Bríu Liếc, người dân ở huyện Tây Giang đổ xô đi đào hầm lấy quặng đãi vàng sa khoáng. Và khi bị truy vấn, họ cũng đưa ra các lý do là đào hầm để chứa bia, cất rượu, làm chỗ trú ẩn nếu có xảy ra bất trắc... Trong tình huống đó, với tư cách là người đứng đầu Đảng bộ Tây Giang, Bí thư thư Bríu Liếc biết hành xử với các hộ dân đào hầm ra sao. Cho nên, việc tự ý đào hầm xuyên núi này có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu nếu không được xử lý nghiêm minh" - Luật sư Lê Văn Thiệp nêu cụ thể.
Còn Kỹ sư xây dựng Nguyễn Khắc Nam cho biết, qua những bức ảnh chụp cửa vào và cận cảnh phía trong đường hầm được đăng tải trên báo, có thể thấy đường hầm không có các thiết bị chống đỡ.
"Tùy vào từng vùng địa chất và quy mô của các đường hầm sẽ có các cách lắp ghép hệ thống cột chống đỡ khác nhau. Cụ thể, việc đào các đường hầm ở khu địa chất nhiều cát hay có mạch nước ngầm sẽ cần hệ thống chống đỡ khác với ở vùng núi đá cứng, đá nguyên khối. Tuy nhiên, dù ở khu địa chất nào thì cũng vẫn phải đảm bảo các yếu tố an toàn. Đối với hầm nhà Bí thư huyện, dù được đào ở khu vực nhiều đất đá cứng nhưng cũng không loại trừ khả năng mưa gió lớn sẽ gây ra các vấn đề nguy hiểm phía trong" - anh Nam cho hay.
Trước đó, báo chí đăng tin Bí thư huyện ủy Tây Giang Bríu Liếc tự đào một đường hầm dài gần 100 m xuyên qua núi. Cửa hầm nằm ngay phía sau căn biệt thự của gia đình Bí thư.
Thông tin ban đầu, đường hầm được đào trong khoảng thời gian từ năm 2009 và mới ngưng cách đây vài tháng khi có đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam xuống làm việc với huyện.
Sau khi vụ việc được lan rộng, dư luận địa phương cho rằng, được hầm được đào nhằm mục đích kiếm vàng. Tuy nhiên, Bí thư Bríu Liếc phủ nhận thông tin trên và khẳng định, hầm được đào là để chứa rượu mời bạn bè khi ông về hưu.
Vũ Đậu