Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn truy vấn gay gắt về trách nhiệm của Giám đốc Sở NNPTNT trong sự cố mất mùa lịch sử vụ lúa xuân vừa qua.
Ngày 14/7, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, Giám đốc Sở NN& PTNT Nguyễn Văn Việt nhận được các câu hỏi khá “nặng ký” liên quan đến trách nhiệm trong sự việc bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên lúa xuân 2017 vừa qua, thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử với hơn 20.000ha, trong đó, nặng nhất là thiệt hại trên giống lúa Thiên ưu 8 đã hơn 17.000ha.
Tờ Vietnamnet đưa tin, tại phiên chất vấn, sau khi nghe phần trả lời của Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đặt câu hỏi, ngành nông nghiệp đã nhận trách nhiệm tương đối rõ nhưng đã thật sự sâu sắc chưa?
Ông Sơn cho hay, tháng 2/2015 giống Thiên ưu 8 được công nhận là giống quốc gia, tháng 7/2015 bắt đầu cho phép thương mại hóa. Giống Thiên ưu 8 được bắt đầu sử dụng trong các vụ Xuân, Hè thu 2016 và Xuân 2017.
Trong số liệu phân tích thấy rằng tiến độ sử dụng giống Thiên ưu 8 tăng nhanh. Mặc dù mới đưa vào sản xuất ở nhưng giống này đã chiếm gần 40% tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân 2017 ở Hà Tĩnh.
Ông Lê Đình Sơn truy vấn gay gắt Giám đốc Sở NN& PTNT Nguyễn Văn Việt. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
“Có lẽ chưa có giống nào cơ cấu lớn như thế này. Câu hỏi vì sao cơ cấu lớn như vậy vẫn chưa được trả lời một cách nghiêm túc”- ông Sơn nói.
Liên quan đến việc quảng cáo giống Thiên ưu 8, ông Lê Đình Sơn, người từng làm Giám đốc Sở NN&PTNT, nêu câu hỏi trong hồ sơ gốc giống Thiên ưu 8 kháng trung bình bệnh đạo ôn thì tại sao không công bố thông tin.
“Biết đây là giống kháng trung bình trong trong hồ sơ thì dứt khoát không đưa vào Hà Tĩnh, vì thời tiết Hà Tĩnh có những đặc thù và chúng ta biết chuyện này đã hàng chục năm nay” – ông Sơn khẳng định.
Trước ý kiến của Giám đốc sở nông nghiệp cho rằng một trong những nguyên nhân gây mất mùa là do tập quán canh tác dày của người dân và thời tiết. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa không đồng tình và cho rằng: "Tôi không bác bỏ thời tiết, sản xuất ngoài trời đương nhiên có thời tiết, đặc biệt bệnh đạo ôn rất nhạy cảm với thời tiết, nhưng nếu chúng ta xâu chuỗi từ đầu đến cuối thì đổ lỗi cho thời tiết thế nào được.Từ tháng 12 anh đã kiểm tra giống, kiểm tra đề án rồi, hay là đề án kiểm tra cho vui? Có thời tiết nhưng đừng đổ lỗi cho thời tiết cả, mà nếu anh đổ lỗi cho thời tiết là chính thì chưa đúng, tất nhiên phải có kết luận của Hội đồng khoa học mới rõ.
Tại sao hai ruộng gần nhau, cùng thời vụ, cùng phân bón, cùng cách chăm sóc, bên kia không bị nhưng bên này bị thì nói tập quán chỗ nào, không nên đổ hết lỗi cho ông dân", ông Sơn thẳng thắn.
Tổng kết phần chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề nông nghiệp, báo Hà Tĩnh dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, nhìn nhận của ngành về những khó khăn, hạn chế của lĩnh vực nông nghiệp tương đối rõ, nhưng chưa thực sự sâu sắc. Quá trình triển khai sản xuất, công tác vận hành bộ máy của ngành chưa hiệu quả; công tác dự tính, dự báo, chỉ đạo sơ sài. Đặc biệt, khi xảy ra sự việc, ngành còn bị động, lúng túng, thậm chí né tránh, đùn đẩy.
Về phía tỉnh, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đồng thời tiếp tục có các Chính sách, giải pháp hỗ trợ nông dân. Nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, lâu dài đó là tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Giang Trần (tổng hợp)