"Nếu chuyển đổi 1/3 đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ thì sẽ tạo tiền đề về đất để có thể tăng GDP thêm 2,73 lần", đó là nhận định của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại buổi gặp mặt với trí thức TP. HCM ngày 28/5.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu trí thức của thành phố. Ảnh: Dân trí |
Theo thông tin trên Dân trí, Infone, ngày 28/5 ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP. HCM cùng lãnh đạo UBND TP. HCM gặp gỡ các đại biểu trí thức của thành phố.
Tại buổi gặp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trăn trở với rất nhiều câu hỏi lớn cho các đại biểu trí thức của thành phố và mong muốn họ góp ý để giải quyết các nghịch lý của TP, nhằm xây dựng một TP thông minh, sáng tạo.
Nhận định về vai trò của TP. HCM, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, dù đóng góp lớn trong GDP cả nước, nhưng tỉ lệ trong 30 năm qua vẫn không thay đổi. Theo đó, năm 1986 thành phố chiếm khoảng 22,4% GDP thì năm 2016 con số này chỉ là 22,7%, tăng không đáng kể.
Về nguyên nhân dẫn đến thực tế trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có phần do cách sử dụng đất hiện nay.
Theo ông, thống kê cho thấy 1ha đất công nghiệp tạo ra 51 tỷ đồng, còn 1ha đất nông nghiệp chỉ có được được 55 triệu đồng, con số này chênh nhau tới 962 lần.
“Độ chênh này cực lớn, đây là vấn đề cần chú ý để tính toán lại trong sử dụng nguồn lực cho hợp lý hơn”, người đứng đầu Thành ủy TP. HCM cho hay.
Bí thư Thành ủy dẫn chứng, năm 2015 diện tích đất nông nghiệp của thành phố là hơn 118.000ha nhưng chỉ đem lại giá trị thực tế 6.494 tỷ đồng (tỷ trọng 0,89%), giá trị gia tăng trên mỗi ha đất đạt 55 triệu đồng. Trong khi đất công nghiệp – dịch vụ chỉ có 14.264 ha nhưng đem lại giá trị thực tế 726.978 tỷ đồng, giá trị gia tăng mỗi ha đất đạt 50.966 triệu đồng.
Ông Nhân cũng đặt vấn đề, có nên chuyển một phần đất nông nghiệp thành đất cho phát triển công nghiệp - dịch vụ. Ông giả định, nếu chuyển đổi 1/3 đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ thì sẽ tạo tiền đề về đất để có thể tăng GDP thêm 2,73 lần. Hơn nữa, thuế thu nhập tăng thêm từ sản xuất công nghiệp – dịch vụ ở phần đất này là 54,7% GDP thành phố, bằng 62 lần giá trị tăng của toàn bộ sản xuất nông nghiệp hiện nay với 118.000ha.
Tuy vậy ông nhấn mạnh, thành phố phải giữ rừng, hệ sinh thái để đảm bảo môi trường cho TP. Với phần đất còn lại, cần tính toán phù hợp cho các mục đích sử dụng để phát huy và thúc đẩy những tiềm năng, thế mạnh của thành.
Ông cũng bày tỏ lo lắng khi dân số thành phố liên tục tăng mạnh, trong khi diện tích không thay đổi, cường độ lao động, cường độ chất thải gấp 13-15 lần bình quân cả nước. Trước dự báo lượng chất thải sẽ đạt gần 3,6 triệu tấn vào năm 2020 và 4,5 triệu tấn trong năm 2025, ông đặt vấn đề cách thức xử lý chất thải. "Chúng ta tiếp tục xử lý bằng cách chôn lấp đến khi nào, hậu quả ra sao?", ông Nhân tỏ ra sốt ruột.
Đức Hòa (tổng hợp)