Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo các sở ngành phải hỗ trợ doanh nghiệp, vướng tới đâu, gỡ tới đó tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo các nhà đầu tư nước ngoài tại TP.HCM.
Sáng 15/3, TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo và các nhà đầu tư nước ngoài năm 2016 với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”. Buổi gặp gỡ có sự tham dự của lãnh đạo thành phố như Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cùng đại diện các Sở, Ngành của TP.HCM, các Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)TP.HCM hiện có 5.854 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực (kể cả cấp mới), với tổng vốn là trên 40 tỷ USD. Năm 2015, thành phố đã thu hút 4,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 38,28% với cùng kỳ, chiếm 19,8% của cả nước. Phân theo đối tác đầu tư, Singapore có vốn đầu tư lớn nhất, chiếm 22,36% (8,7 tỷ USD); Malaysia đứng thứ 2, chiếm 14,98% (5,8 tỷ USD); British Vigin Islands đứng thứ 3, chiếm 11,03% (4,2 tỷ USD).
Phân theo lĩnh vực đầu tư, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất, chiếm 35,01% (14,01 tỷ USD); công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 2, chiếm 32,13% (12,51 tỷ USD); giáo dục đào tạo chiến 9,32% (3,72 tỷ USD); bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và các động cơ khác chiếm 7,47% (2,98 tỷ USD); thông tin và truyền thông, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, chiếm 6,54% (2,61 tỷ USD); các hoạt động khác (xây dựng, vận tải kho bãi, y tế, dịch vụ lưu trú và ăn uống…), chiếm 8,32% (3,29 tỷ USD).
Tại buổi gặp gỡ, đại diện DN từ EU đưa ra một số kiến nghị với lãnh đạo thành phố. Trước tiên mong muốn chính quyền thành phố hỗ trợ, cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch để DN dễ nắm bắt, ứng xử phù hợp và phát triển. Sau đó, TP.HCM phát triển hạ tầng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.
Bí thư Đinh La Thăng cam kết đồng hành, tháo gỡ vướng mắc cho DN |
Tiếp theo là vấn đề phát triển môi trường xanh cũng quan trọng không kém. Vì, Chính phủ các thành viên của EU sẽ khắt khe hơn với những sản phẩm không thân thiện với môi trường. Cuối cùng là kiến nghị thành phố có Chính sách đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất của nhà đầu tư…
Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM, cho biết tổ chức này được thành lập từ 1994 đến nay, với trên 800 thành viên. Các DN thành viên sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại TP.HCM nhưng vẫn lo ngại vướng mắc về thủ tục hành chính, sự thiếu minh bạch trong Luật lao động, Luật thuế, Hải quan, cấp phép, an toàn giao thông…
Vì vậy, để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, Hiệp hội DN Nhật Bản cần sự hỗ của chính quyền, lập các đường dây nóng tại các sở ngành để có thể kết nối và liên lạc.Đại diện của Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết, từ năm 1992 đến nay, thành phố đã có trên 900 DN (cả nước có khoảng 4000 DN) Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại VN.
Hiệp hội này nhận thấy thành phố đã cố gắng cải cách hành chính nhưng còn một số băn khoăn về vấn đề tăng lương cơ bản, kết nối hạ tầng giao thông, thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành và khi thay đổi luật mà không phổ biến rộng rãi thì khó cho DN. Chẳng hạn như việc vận hành một cửa của Hải quan nhưng lại có 9 bộ ngành tham gia. Thay vì liên thông với nhau để cập nhật số liệu thì lại chồng chéo, bắt DN phải cung cấp thông tin này nọ…
Trả lời những băn khoăn, vướng mắc của các DN, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết các thủ tục thuế đã đơn giản hóa rất nhiều. Đơn vị này sẽ gặp gỡ trực tiếp các DN để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại diện Cục Hải quan TP.HCM nói: đơn vị này đang cố gắng vận hành một cửa nhưng có đến 6 bộ ngành tham gia. Về việc này, 28% thời gian liên quan đến Hải quan, còn lại 72% là các sở ngành khác. Ngoài ra, Hải quan đang đề nghị các sở ngành cùng tháo gỡ vướng mắc, tiết kiệm thời gian thông quan cho DN.
Đại diện DN Hàn Quốc trao đổi về những khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo TP.HCM |
Sở Giao thông Vân tải TP.HCM cũng có phương án cải thiện hệ thống đèn tín hiệu giao thông để hạn chế ùn tắc. Kết nối với các tuyến trọng điểm với các tỉnh, tạo thuận tiện cho lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, đơn vị này còn cải thiện nhiều hạng mục, nâng cấp và kết nối giao thông đường thủy…
Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Thành Phong khẳng định, trong thẩm quyền của thành phố, chúng tôi sẽ xem xét, xử lý nhanh để các nhà đầu tư hoạt động thuận lợi, hiệu quả. Nếu vượt thẩm quyền của chúng tôi sẽ kiến nghị để hỗ trợ các doanh nghiệp, đề nghị giải quyết vướng mắc, bức xúc.
Mục tiêu của thành phố là xây dựng đô thị này trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục mang tầng khu vực. Vì vậy, việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện thể chế, chính sách, đơn giản thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho DN là nhiệm vụ sống còn…
Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh: Thành phố xác định đồng hành, phục vụ DN. Nhưng DN cũng phải chăm lo cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động, cải thiện lương bổng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, để nâng cao năng xuất lao động. Tất nhiên, thành phố không thiếu lao động chất lượng cao.
Vì vậy, thành phố cũng đề nghị các DN đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, hội nhập. DN muốn chính quyền minh bạch hành chính thì DN cũng phải minh bạch. Thế mới củng cố được niềm tin giữa chính quyền và DN.
Nguyễn Văn