Liên quan tới độc tố trong nước biển sau sự cố xả thải Formosa, PGS.TS. Trần Hồng Côn nhận định, trong điều kiện không có thêm chất độc tiếp thải ra biển, thì độc tố trong nước biển dọc các tỉnh miền Trung sẽ được làm sạch dần theo thời gian.
Sau sự cố xả thải của Formosa khiến cá chết hàng loạt dọc các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sáng ngày 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị công bố hiện trạng môi trường biển tại các tỉnh này. Theo đó, qua kết quả quan trắc đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm môi trường biển và hệ sinh thái biển cho thấy, các thông số về môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn của QCVN 10-MT:2015/BTNMT; đạt quy chuẩn đối với các vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.
Ngoài ra, cũng theo số liệu được công bố, một số khu vực có dòng chảy cục bộ như Sơn Dương (Hà Tĩnh; khoảng 300 km2), phía đông biển Nhật Lệ (Quảng Bình, khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế, khoảng 160 km2) thì khả năng phân tán các chất độc trong nước kém hơn, đồng thời, khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn nên cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Chuyên gia nhận định, nước biển miền Trung sẽ tự làm sạch độc tố theo thời gian. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, cho tới thời điểm này, diễn biến chất lượng nước biển, diễn biến liên quan đến mô hình hệ sinh thái đang có chiều hướng tích cực... Và từ đó, xác định quy luật rất rõ ràng rằng, khu vực biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch các chất ô nhiễm như Phenol, Xyanua, Hydroxit Fe2...
Trao đổi với phóng viên về nhận định nước biển có thể tự làm sạch độc tố như phát biểu trên, PGS.TS Trần Hồng Côn - Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong điều kiện không có thêm chất thải gì tiếp thải ra biển, thì độc tố trong nước biển dọc các tỉnh miền Trung sẽ bị hòa tan dần dần và giảm đi theo thời gian. Đó cũng chính là khả năng tự làm sạch độc tố của nước biển.
Theo chia sẻ của TS.Trần Hồng Côn, nước biển có thể tự làm sạch các độc tố như Phenol, Xyanua... dựa vào hai quá trình chính là phân hủy độc tố do vi sinh vật và phân hủy có sự tham gia của ánh sáng mặt trời. Cụ thể, qua thời gian, dưới tác động của vi sinh vật và ánh sáng mặt trời, Phenol sẽ bị cắt mạch thành các chất có mạch ngắn hơn, thậm chí khoáng hóa thành CO2 và nước. Còn độc tố Xyanua thì khả năng làm sạch còn dễ hơn Phenol. Nếu Xyanua nồng độ cao thì có thể gây chết sinh vật, nhưng Xyanua khi đã được nước biển hòa tan ở nồng độ thấp thì nó chuyển thành các hợp chất Nitơ (đạm) không độc. Và với các độc tố khác, dưới tác động của các quá trình phân hủy trên thì nước biển cũng "tự làm sạch" theo thời gian.
"Phân hủy vi sinh vật và phân hủy dưới tác động của ánh sáng mặt trời là hai quá trình chính, ngoài ra còn có nhiều quá trình phân hủy khác với các xúc tác khác cũng giúp tự làm sạch độc tố trong nước biển. Tuy nhiên, quá trình tự làm sạch này chỉ xảy ra với điều kiện độc tố không được tiếp thêm vào nước biển. Còn nếu độc tố vẫn được xả thải ra biển thì nước biển không những không thể tự làm sạch mà còn bị cộng hưởng độc tố nhiều thêm" - TS. Trần Hồng Côn khẳng định.
Kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế được công bố vào sáng ngày 22/8: Về chất lượng nước biển: Sau khi phân tích 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh đối chiếu với quy chuẩn Việt Nam, nhóm chuyên gia cho biết các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng cơ bản trong giới hạn cho phép, đảm bảo đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản. Các thông số sắt, Phenol và Xyamnua - nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường giảm đáng kể và nằm trong giới hạn cho phép. Về chất lượng trầm tích biển: Nhóm chuyên gia đã phân tích 29 mẫu tháng 5 và 146 mẫu trầm tích bề mặt, 16 điểm mẫu cột trầm tích tháng 6, cũng cho giá trị nằm trong giới hạn. Tuy nhiên, tại các khu vực thuộc Sơn Dương, cửa Nhật Lệ,hòn Sơn Chà có thông số cao hơn khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Nguyên nhân chịu tác động của dòng xoáy cục bộ. Về hệ sinh thái: Phân tích 3.156 mẫu thuộc các nhóm sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển..., nhóm nghiên cứu cho biết, tháng 4 và 5, rạn san hô là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất trong các hệ sinh thái biển. Nhưng đến tháng 6 và 7 không còn hiện tượng trên, san hô bắt đầu phục hồi tự nhiên, cá kích thước nhỏ có dấu hiệu trở lại với mật độ dày hơn. Về chất lượng hải sản đánh bắt: Theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ 28/4 đến 8/8 hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. |
Vũ Đậu