Tin mới

Biệt tài viết ngược tuyệt đẹp của thầy giáo xứ Kinh Bắc

Thứ hai, 11/08/2014, 16:35 (GMT+7)

Không chỉ nổi danh viết đẹp, anh còn có thể viết chữ ngược, viết thư pháp bằng bút sắt. Người xem phải dùng gương phản chiếu mới đọc được loại chữ này.

Không chỉ nổi danh viết đẹp, anh còn có thể viết chữ ngược, viết thư pháp bằng bút sắt. Người xem phải dùng gương phản chiếu mới đọc được loại chữ này.

Thầy giáo Nguyễn Đương Ánh (41 tuổi, ở Tiên Du, Bắc Ninh) từng nổi danh khắp xứ Kinh Bắc bởi tài viết chữ đẹp. Anh cũng là một trong những người đầu tiên sáng tạo ra loại bút mài ngòi và đăng ký thương hiệu độc quyền. Gần 20 năm gắn bó với con chữ, người thầy giáo coi đó như cái nghiệp mình theo đuổi suốt đời. Hơn thế, anh còn nâng chữ lên thành một thú chơi tinh hoa, điêu luyện.

Chữ nét thanh nét đậm của thầy Nguyễn Đương Ánh

Biệt tài chữ ngược

Trước lúc viết, đôi mắt anh nhìn chăm chú vào khoảng trống trên tấm bảng. Để tâm trí không vướng bận vào suy nghĩ gì khác, anh bắt đầu tưởng tượng hình hài chữ ngược. Cẩn trọng đặt nét phấn đầu tiên, rồi cứ thế, từng nét chữ bay bổng hiện ra, nét sổ dứt khoát, nét thanh vòng mềm mại. Nhưng người xem cũng không thể đọc được chữ gì. Dùng gương phản chiếu lại ta mới thấy những con chữ bay bổng, đẹp không khác gì chữ viết xuôi. Nó được tạo nên bởi đôi tay tài hoa, cùng quá trình khổ luyện hàng chục năm của người viết.

Thầy Ánh chia sẻ: “Để viết chữ ngược đẹp, đòi hỏi phải viết xuôi cũng đẹp, có trí tưởng tượng tốt, hình dung trước được nét”.

Vốn có niềm đam mê chữ đẹp từ thuở nhỏ, năm 1997, khi đang học năm nhất trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, chàng sinh viên Nguyễn Đương Ánh đã đạt giải nhì cuộc thi viết chữ đẹp toàn quốc. Đến khi về giảng dạy tại trường Tiểu học Phú Lâm 2 (Tiên Du, Bắc Ninh), tài viết chữ đẹp của thầy Ánh đã nổi danh khắp vùng Kinh Bắc.

Anh Nguyễn Đương Ánh, người viết chữ đẹp nổi tiếng có nhiều người theo học

Tiếng lành đồn xa, không chỉ viết bằng khen, giấy tờ trong huyện, xã mà nhiều nơi khác cũng đến nhờ thầy viết chữ. Có thời gian, thầy Ánh phải khăn gói sang huyện Yên Phong (Bắc Ninh) ở cả tuần để viết hộ hàng trăm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Phụ huynh đến xin thầy viết dăm ba chữ khuyến khích con học tốt rồi treo trang trọng bên góc học tập. Bạn bè cần viết thiệp mừng, thiệp cưới cũng đến nhờ chữ thầy Ánh.

Kỷ niệm anh nhớ nhất, đó là vào buổi tối cuối năm học, đại diện hội phụ huynh của một trường tiểu học cách đó hơn chục cây số tới nhờ anh viết giấy khen. Tối muộn, công việc bận rộn nên anh đành từ chối. Nhưng người đó cố sức năn nỉ. Họ nói rằng những tấm giấy khen kia có nét chữ của thầy Ánh thì sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều. Anh nhận lời. Viết hơn 100 giấy khen, vở tặng học sinh giỏi xong xuôi, nhìn đồng hồ điểm 12h đêm. Hai vị phụ huynh say sưa ngắm nhìn những nét chữ với khuôn mặt rạng rỡ.

Không bằng lòng ở việc luyện chữ nét thanh nét đậm, anh còn tự học, tìm tòi viết thư pháp chữ Việt bằng bút sắt. Bút sắt ngòi cứng cáp, nhỏ mảnh không thể viết nhanh nét cực đậm, nét xược trong một lượt đưa bút. Anh nghĩ ra cách lật ngược ngòi bút, đẩy mực thấm ướt ngòi rồi đưa bút chậm ở nét cần nhấn, lướt nhanh tạo ra đường mềm mại, khoáng đạt. Thoạt nhìn, hầu như ít ai nhận ra đó là chữ thư pháp viết bằng bút sắt.

Người đầu tiên sáng tạo ra bút mài ngòi

Để viết được loại chữ nét thanh nét đậm cần loại bút ngòi bằng, dẹt nhưng các loại bút bơm mực hiện đại hầu như không đáp ứng được. Từ khi còn là sinh viên, anh Ánh đã tự tìm tòi cách mài bút sao cho viết ra nét thanh đậm. Mài hỏng nhiều ngòi bút, anh mới đúc rút ra kinh nghiệm. Thường phải mất vài tiếng đồng hồ mới có thể mài xong, vừa mài vừa viết thử đến khi viết trơn đều không gợn mới hoàn thành.

Thư pháp bút sắt của anh Ánh

Anh Ánh chia sẻ: “Để mài được một cây bút như ý, phải trải qua nhiều công đoạn. Công cụ mài rất thô sơ, mài bằng đá, mài thủ công, phải soi xét từng góc cạnh. Bút mài bằng tay tuy có điểm hạn chế là tốc độ viết chậm nhưng lại có ưu điểm chữ viết sắc nét hơn,  tạo được sự kiên trì, cẩn thận trong từng nét chữ”.

Ban đầu anh tự mài để viết, mài cho học sinh, cho đồng nghiệp, ngày càng nhiều người nhờ, mài không xuể. Anh nảy ra ý tưởng dùng mô – tơ quay để mài. Bạn bè động viên anh đăng ký bản quyền. Thương hiệu Bút mài thầy Ánh ra đời từ đó.

Người xưa nói: “Nhất tự thiên kim”, một chữ đáng giá ngàn vàng. Anh thường viết hộ, cho chữ mà không lấy công. Nhưng với mong muốn đem niềm đam mê chữ đẹp truyền cảm hứng cho nhiều người, anh lên Hà Nội mở trung tâm luyện chữ đẹp, sản xuất bút mài ngòi từ năm 2002.

Người tìm đến học chữ đẹp thầy Ánh, ngoài học sinh, giáo viên còn có dân văn phòng, phụ huynh… Họ học vì đam mê với chữ đẹp. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một giáo viên tiểu học ở Gia Lai ra Hà Nội để học 3 buổi luyện chữ của thầy Ánh. Có người chưa đi xa bao giờ, được cả chồng đưa đi ra luyện chữ vài buổi lại về.

Học sinh khi tới trung tâm sẽ thực hiện bài thi đầu và bài thi kết thúc để kiểm tra đánh giá quá trình rèn chữ. Đối với giáo viên tới học chỉ cần nắm được các kĩ năng cơ bản rồi về tự rèn luyện. Còn với học sinh phải kèm thường xuyện vì mức độ nhận thức và rèn luyện kĩ năng lâu hơn.

Năm 2012, thầy Nguyễn Đương Ánh được mời làm giám khảo các cuộc thi viết chữ đẹp do tỉnh Sơn La tổ chức, làm giám khảo chấm thi viết chữ đẹp huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ngoài việc rèn chữ, anh còn sáng tạo 6 mẫu chữ để đáp ứng cho việc giải trí, trang trí, quảng cáo...

Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news