(Tinmoi.vn) Chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như hiện nay. Nhiều luật mẹ chưa có nhưng đã có luật con. Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thẳng thắn kết luận.
Văn bản hướng dẫn dưới luật rối rắm; thủ tục thi hành án dân sự phức tạp; có hay không lợi ích nhóm trong ban hành văn bản pháp luật...là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong phiên chất vấn chiều nay.
"Bill Gates mà xin lao động ở Việt Nam cũng không được"
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu một vấn đề mà ông cho rằng có thể xem là vấn nạn đang gây tác hại, bức xúc đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó là các văn bản hướng dẫn dưới các hình thức nghị định, quyết định, thông tư.
"Hiện nay, ngoài tình trạng nợ đọng, có việc hiến pháp thì cho, luật tạo ra hành lang nhưng văn bản hướng dẫn lại đặt ra các thủ tục, điều kiện, thậm chí là các mẫu đơn và giấy phép con. Những phiền toái này thực chất là rào chắn và đôi khi là những cái bẫy đối với doanh nghiệp và người dân. Để vượt những rào chắn này, doanh nghiệp và người dân phải chung chi, bôi trơn...
Trong khi luật hình sự Việt Nam có cái tội gọi là "cố ý làm trái". Đôi khi người dân không trái hiến pháp, không trái luật mà chỉ sai các quy định hướng dẫn thì lại rơi vào tội "cố ý làm trái" và có thể bị xử lý bằng pháp luật hình sự. Như vậy các văn bản hướng dẫn này không làm tròn trách nhiệm hướng dẫn mà lại hạn chế trên hành lang pháp lý mà luật cho phép", ông Nghĩa nói.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trong phiên chất vấn chiều nay
Dẫn phản ánh của một số doanh nghiệp nước ngoài nêu ra trong một diễn đàn mới đây rằng ở các nước chỉ cần 3 ngày để thành lập công ty, trong khi Việt Nam cần đến 3 tháng, thậm chí lâu hơn, ông Nghĩa đã dẫn dụ, ví von trước khi đặt câu hỏi: "Có người nói rằng, nếu Bill Gates mà xin lao động ở Việt Nam, theo điều kiện ở Việt Nam cũng không được cấp giấy phép vì phải có bằng đại học và phải có 5 năm làm việc chẳng hạn. Như vậy tình trạng văn bản hướng dẫn tạo ra rào chắn, tạo bẫy gây nhũng nhiễu, tiêu cực, vô hiệu hóa hành lang pháp lý là một vấn nạn. Xin Bộ trưởng cho biết tình trạng này phải được khắc phục, xử lý như thế nào?"
Giải đáp bức xúc của đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, về nguyên tắc văn bản các bộ, kể cả mẫu mã đính kèm các văn bản không được trái với luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng chính phủ và lại càng không được trái với Hiến pháp. Về vấn đề ĐB Nghĩa nêu, Bộ Tư pháp sẽ kiểm tra cụ thể lĩnh vực được nêu, nếu có sẽ gửi kết quả báo cáo với đại biểu.
Về việc văn bản ra sai vừa rồi gây nhiều dư luận, ông Cường "xin được thông cảm".
"Có những cái đã ra văn bản rồi nhưng cũng có những cái mới chỉ là dự thảo để lấy ý kiến. Khi dự thảo lấy ý kiến nhận được phản ứng của dư luận, các Bộ ngành đã tiếp thu và xử lý ngay. Kể cả những văn bản đã ban hành nhưng sau khi có ý kiến của dư luận, Bộ tư pháp kiểm tra, có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã sửa chữa kịp thời.
Về vấn đề đại biểu nêu, cụ thể có những dự án nào đó gây tốn kém kinh phí, ngân sách Nhà nước, tôi nghĩ phải đi sâu vào vụ việc. Nếu được đại biểu cho biết để có cơ sở kiểm tra cụ thể và sẽ có báo cáo", Bộ trưởng Cường hứa.
"Luật mẹ chưa có đã có luật con"
Liên quan đến thủ tục thi hành án, ĐB Trần Du Lịch, TP HCM cho rằng: không ở đâu thủ tục thi hành án dân sự phức tạp, nhiêu khê như ở VN, nhất là thủ tục phát mại tài sản để thu hồi nợ của các ngân hàng - qua quá nhiều trình quy trình, có khi mất 4 năm. Ông hỏi Bộ trưởng Cường: "Bộ Tư pháp có thấy đó là rào cản? Bộ trong trách nhiệm rà soát văn bản quy phạm pháp luật có thấy điều này?"
Đại biểu Trần Du Lịch
Thừa nhận ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch nhưng Bộ trưởng Cường cho rằng, vấn đề này cũng có cái khó.
"Quy trình phát mãi tài sản (nhất là bất động sản) có liên quan đến vấn đề giá cả, thị trường nóng nguội. Thi hành án thường liên quan đến giá cả do bản án tuyên (hiện nay giá nhà đất thấp), nên việc đánh giá thế nào để định giá tài sản thi hành án vẫn còn khó.
Luật thi hành án dân sự có thể là tài sản của người dân, cũng có thể của tổ chức, nhà nước nên cũng cho quyền của chủ sở hữu có quyền yêu cầu đánh giá đi, lại về tài sản của mình, không thừa nhận kết quả đấu giá.
Bộ vừa thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án luật sửa đổi thi hành án dân sự, theo đó chủ sở hữu chỉ được khiếu nại về định giá 1 lần thôi. Việc định giá cũng theo hướng xã hội hóa cho công ty được định giá chứ không chỉ là sở tài chính", Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải thích.
Về tình trạng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, rất nhiều loại văn bản pháp luật khác nhau theo chất vấn của đại biểu Lịch, Bộ trưởng Cường cũng phải thừa nhận rằng: "Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới".
"Từ khi thực hiện công việc đổi mới thì chúng ta mới quan tâm đến công tác xây dựng văn bản pháp luật và thấy là còn nhiều chồng chéo. Chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như hiện nay. Nhiều luật mẹ chưa có nhưng đã có luật con. Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới", ông Cường thẳng thắn.
Hoàng Minh