Tin mới

Bình chữa cháy mini: Cốt đẩy hàng, người bán hướng dẫn "láo"

Thứ ba, 12/01/2016, 17:07 (GMT+7)

Tại các cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên thị trường, các bình chữa cháy mini dành cho xe ô tô đang bán rất chạy và cũng "loạn" về giá cả cũng như hướng dẫn sử dụng.

Tại các cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên thị trường, các bình chữa cháy mini dành cho xe ô tô đang bán rất chạy và cũng "loạn" về giá cả cũng như hướng dẫn sử dụng.

Bình cứu hỏa mini của Trung Quốc được bán nhiều trên thị trường. Ảnh K. Duy

Bắt đầu từ ngày 6/1, Cảnh sát PCCC phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra, xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô nếu không trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy. Theo đó, xe ô tô từ 4 đến 9 chỗ phải trang bị ít nhất một bình chữa cháy. Mức phạt tiền đối với ô tô 4 chỗ trở lên không trang bị thiết phương tiện chữa cháy thông dụng từ 300 - 500 nghìn đồng và lên tới 3 - 5 triệu đồng đối với xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy nổ.

Ngay từ khi thông tư có hiệu lực, các chủ phương tiện đều nghiêm túc chấp hành. Tại các cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên thị trường, các bình chữa cháy mini dành cho xe ô tô đang bán rất chạy và cũng "loạn" về giá cả. Tuy nhiên khi được hỏi về cách sự dụng cũng như bảo quản sản phẩm thì cả người bán và mua đều rất mù mờ.

Không có hướng dẫn bằng tiếng Việt

Hiện tại, trên thị trường đang lưu hành 3 loại bình chứa chất chữa cháy chủ yếu là bình C02, bình bột và bình sol khí thường được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý.

Các bình cứu hỏa mini dành cho xe ô tô hiện đang được bán rất chạy trên thị trường, xong tất cả các bình cứu hỏa này đều không có chữ tiếng Việt hay phần hướng dẫn sử dụng phụ bằng tiếng Việt. Chính vì thế, người dùng rất mù mờ về cách sử dụng cũng như bảo quản sản phẩm.

Theo Anh Đào Huy Trường - Giám đốc Công ty Bảo hộ Lao động DHT Việt Nam, chuyên cung cấp các thiết bị phòng cháy chữa cháy cho biết: "Tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt được in riêng và phát tay cho những người có nhu cầu. Để có tờ hướng dẫn này thì các đơn vị nhập về phải tự dịch và in ra bằng tiếng Việt rồi phát tay", anh Trường nói.

Anh Trần Xuân Dương (Nam Định) lái xe 4 chỗ chia sẻ: “Nhìn vào bình toàn tiếng nước ngoài mình chẳng hiểu gì cả, lúc mua nhân viên bán hàng có hướng dẫn là khi cháy thì rút lắp bình ra và xịt còn cách bảo quản như thế nào thì không nắm rõ. Vì trên xe không thiết kế chỗ để nên mình để tạm dưới gầm ghế sau”.

Anh Dương cũng cho biết thêm “Trang bị bình chữa cháy này là sợ bị phạt chứ không nghĩ đến việc nó sẽ dập được lửa khi xe xảy ra sự cố”- anh Dương nói.

 

Cũng vì không biết trên bình ghi những gì cho nên hầu hết khách hàng đều bỏ qua phần bảo quản khi sử dụng. Theo như ghi chú trên sản phẩm thì bình chữa cháy phải đặt ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh những nơi có ánh nắng và bức xạ nhiệt mạnh, nhiệt độ cao nhất là 50 độ C; khi di chuyển cần nhẹ nhàng; tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao, thiết bị rung động…

Trong khi đó, nhiệt độ trong xe hơi để ngoài trời trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam có khi lên tới 60 - 80 độ C, bên cạnh đó xe màu đen còn hấp thụ nhiệt nhiều hơn. Còn rung lắc đối với các xe là điều khó tránh khỏi.

Mặc dù hướng dẫn bảo quản là thế xong đối với những người bán hàng, để bán được sản phẩm họ đã bỏ qua phần hướng dẫn bảo quản. Khi hỏi về việc để bình cứu hỏa mini trong xe ô tô ở nhiệt độ 60 độ C có được không, nhân viên tại cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên đường QL32, quận Bắc Từ Liên, Hà Nội cho biết vẫn để được bình thường, không sao cả.

Thiết kế xe không có chỗ để

Theo hướng dẫn, bình cứu hỏa nên để những nơi không có ánh nắng chiếu vào trực tiếp,  nơi không tiềm ẩn nguy cơ va đập khi gặp tai nạn, vị trí không nên đặt bình cứu hỏa là dưới gầm ghế người lái (nguy cơ gây cản trở khi lái xe - chân ga/chân phanh), hốc để nước trên cánh cửa (dễ va đập, nguy cở nổ khi có va chạm bên hông), mặt tap-lô, phía dưới kính sau của xe…

Vị trí an toàn nhất sẽ là gầm ghế hành khách phía trước, trong khoang hành lí (nhưng phải có hệ thống gá để không bị va đập trong khi vận hành xe và cũng để dễ lấy khi cần thiết).

Theo như thiết kế hiện tại, hầu hết các xe từ 4 - 9 chỗ đều không thiết kế vị trí đặt bình chữa cháy. Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC cà CNCH khuyến cáo thì chủ phương tiện nên để ở nơi dễ nhìn thấy, dễ lấy như ở hốc cánh cửa trước, cửa sau hoặc gầm ghế.

Trả lời một phỏng vấn của báo VnExpress, ông Thắng cho biết, Cục đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách lắp đặt, sử dụng phương tiện PCCC ở trên ô tô và sẽ đăng trên cổng thông tin cả Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đồng thời tuyên truyền rộng rãi để các chủ phương tiện, cơ quan tham khảo.

 K. Duy

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news