Bộ Công an vừa ký công văn 817, yêu cầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phối hợp, cung cấp những hồ sơ liên quan đến việc mua bán đất, nhà công sản từ năm 2006 đến nay theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Sơn |
Ngày 20/9, nguồn tin từ Bộ Công an cho biết, Trung tướng Trần Đăng Yến - Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), vừa ký công văn 817, yêu cầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phối hợp, cung cấp những hồ sơ liên quan đến việc mua bán đất, nhà công sản từ năm 2006 đến nay theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nội dung công văn yêu cầu ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cung cấp thông tin, tài liệu quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt dự án xây dựng, giao nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước cho các tập thể, cá nhân của UBND TP Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay.
Ngoài ra, cơ quan An ninh điều tra cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương này cung cấp hồ sơ liên quan đến 9 dự án mua/thuê 31 nhà công sản tại Đà Nẵng.
Công an yêu cầu ông Thơ chỉ đạo Văn phòng UBND TP, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài Nguyên - Môi trường và các ngành có liên quan cung cấp các hồ sơ có liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Cũng theo thông tin trên công văn, Trung tướng Trần Đăng Yến cũng cử Tổ công tác gồm 3 người vào liên hệ với các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng làm việc.
Trước đó, hồi năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về sai phạm của thành phố Đà Nẵng trên lĩnh vực đất đai như: việc giao đất không qua đấu giá, giá đất bán cho doanh nghiệp thấp hơn giá quy định…gây thất thu ngân sách hơn 3.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không chỉ riêng ở lĩnh vực giao đất dự án thiếu minh bạch, trong thời gian qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương bán nhiều khu đất và nhà công sản có vị trí đắc địa cho các cá nhân, doanh nghiệp không qua đấu giá; giảm 10 - 20% giá trị hợp đồng gây thất thoát số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Đà Nẵng thu hồi số tiền thất thoát này nhưng đến giờ, tức là sau 5 năm, Đà Nẵng vẫn chưa làm được việc này.
Nhiều khu nhà và đất vàng ở Đà Nẵng thuộc sở hữu của nhà nước giờ đã về tay cá nhân và doanh nghiệp. Năm 2010, UBND thành phố Đà Nẵng có Quyết định bán không qua đấu giá nhà công sản 57 Lê Duẩn, có diện tích hơn 1.770 m2 cho Công ty Công nghệ phẩm với giá là 62 tỷ đồng. Nếu thanh toán tiền trong vòng 30 ngày sẽ miễn giảm 10%, tương đương hơn 6,2 tỷ đồng. Dù không thanh toán tiền đúng như hợp đồng nhưng doanh nghiệp này vẫn được miễn giảm 6,2 tỷ đồng. Đây là một sai phạm rất rõ ràng.
Không chỉ mảnh đất 57 Lê Duẩn, Công ty Công nghệ phẩm còn tiếp tục được mua những mảnh đất công sản có giá trị tại Đà Nẵng sau đó đã chuyển nhượng cho các đơn vị khác. Số tiền chênh lệch từ chuyển nhượng là cái lợi đem về cho công ty này. Không riêng Công ty Công nghệ phẩm, một số công ty khác ở Đà Nẵng cũng được mua đất công sản không qua đấu thầu.
Khách sạn Novotel trước đây là trụ sở làm việc của tòa án thành phố và khách sạn sông Hàn. Năm 2007, chính quyền Đà Nẵng đã bán hơn 1.700 m2 khách sạn sông Hàn cho Công ty Xây dựng 79 với giá 45 tỷ đồng nhưng chỉ thu được 35 tỷ đồng. Công ty Xây dựng 79 tiếp tục mua trụ sở làm việc tòa án không qua đấu giá tại số 38 Bạch Đằng. Tổng diện tích 2 khu đất này là hơn 3.700 m2 nhưng chỉ thu về ngân sách khoảng 60 tỷ đồng. Ngay sau đó, Công ty Xây dựng 79 chuyển nhượng dự án này cho một công ty khác (Mặt trời sông Hàn) với giá 113 tỷ đồng.
Việc mua bán không qua đấu giá đặt ra những câu hỏi về giá trị thật của những mảnh đất công sản ngay trung tâm của Đà Nẵng được bán trong thời gian qua. Đến giờ này, sau 5 năm, Đà Nẵng vẫn chưa thu hồi được số tiền thất thoát lên tới hơn 3.000 tỷ đồng trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo thống kê của Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng, từ năm 2006 đến nay đã có 98 doanh nghiệp mua nhà và đất công sản, tổng diện tích gần 70.000 m2. Ngân sách thu về hơn 1.000 tỷ đồng, số miễn giảm cho doanh nghiệp là trên 100 tỷ đồng.
Đức Hòa (tổng hợp)