Trước kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV liên quan đến 6 nhóm vấn đề của ngành giáo dục, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời các nội dung được chất vấn.
Bảo đảm 20% chi ngân sách địa phương cho giáo dục
Tại nội dung kiến nghị, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, cán bộ giáo viên tại các xã miền núi.
Về việc này, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp thu kiến nghị, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng cân đối ngân sách của Nhà nước.
Đối với nội dung đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, nhà công vụ cho các cơ sở giáo dục tại các huyện miền núi. Bộ GD&ĐT trả lời đã hướng dẫn các địa phương thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, theo đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học.
Cùng với đó nhấn mạnh các địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, bảo đảm tối thiểu 20% chi ngân sách địa phương cho giáo dục đào tạo, thực hiện phân bổ và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã có các cuộc làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thiếu đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, đồng thời đang dự thảo trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về bảo đảm cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT.
Đảm bảo tin cậy trong xét tuyển học bạ
Căn cứ thực tiễn hiện nay cử tri cũng đề nghị lãnh đạo ngành giáo dục nghiên cứu bỏ việc xét tuyển đại học qua học bạ, hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “làm đẹp” học bạ và “chạy điểm” của các nhà trường.
Trước ý kiến này, Bộ GD&ĐT đưa ra căn cứ Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Ngoài ra, quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo. Đồng thời để các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế.
Bộ GD&ĐT thông tin dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, trách nhiệm của các nhà trường phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.
Về ý kiến của cử tri liên quan đến việc nhiều trường đại học, nhất là các ngành kỹ thuật, khối ngành y, dược tăng học phí rất cao, ảnh hưởng đến nguyện vọng và nhu cầu của nhiều gia đình và chưa phù hợp với mức thu nhập bình quân thực tế của người dân. Điều chỉnh lộ trình thu học phí theo hướng tăng dần theo mức trần và quy định cụ thể về mặt thời gian để hoàn thành việc tăng học phí
Trả lời vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập năm học 2021-2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020 - 2021 để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid. Từ năm học 2022 - 2023, mức trần học phí điều chỉnh dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí đào tạo.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165 nhằm giữ ổn định mức học phí năm học 2022 - 2023 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức học phí năm học 2021 - 2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình phụ huynh giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống.
Đối với việc tổ chức các chương trình tập huấn sách giáo khoa mới theo Chương trình GDPT 2018 cho đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT thông tin hằng năm đều có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Theo đó các địa phương phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên nhằm tăng cường năng lực sử dụng sách giáo khoa thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong những năm tiếp theo của lộ trình, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo việc bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các cử tri cũng đề nghị cần sớm ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn về trường học thông minh, thực hiện hồ sơ điện tử thống nhất cho các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước. Bộ GD&ĐT cho biết đang chuẩn bị ban hành bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục và hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, quy chế về giáo dục đào tạo số làm cơ sở thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.