Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, ưu điểm đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia góp phần hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén, học đối phó với những môn học không thi như trước đây, vì học sinh có nhu cầu tập trung vào những môn khác nhau trong kỳ thi.
Việc xét tốt nghiệp bằng cách kết hợp điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia và kết quả năm học lớp 12 cũng là áp lực khiến các em phải học đều.
Bên cạnh đó, học sinh cũng tăng thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ khi mỗi thí sinh có thể thi 8 môn thi để nộp hồ sơ xét tuyển vào nhiều ngành hoặc nhiều trường ĐH, CĐ.
Nói như PGS Văn Như Cương đó là: “Các em đã biết mình có bao nhiêu tiền khi đến chợ, do đó sẽ mua được những sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình thay vì hên xui chọn như trước đây”.
Nhờ áp dụng phối hợp cách ra đề thi theo định hướng đánh giá năng lực đã hạn chế tối đa tình trạng quay cóp, đảm bảo sự nghiêm túc khách quan của kỳ thi.
Việc tổ chức thi theo cụm ở một số đơn vị trong mỗi tỉnh có sự tham gia của các trường ĐH, CĐ trong các khâu coi thi, chấm thi và ra đề để đảm bảo tính khách quan và nghiêm túc của kỳ thi.
Đồng thời, giảm áp lực và tiết kiệm do chỉ tổ chức 1 kỳ thi và kết quả sử dụng cho 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Đồng thời, kỳ thi tổ chức theo cụm ở địa phương giảm bớt tiền của sự căng thẳng, áp lực cho ngành giáo dục, xã hội và cả nền kinh tế.
Với quy định cho phép học sinh không có nhu cầu tuyển sinh vào ĐH, CĐ được tham gia 1 kỳ thi nhẹ nhàng hơn khi tham gia vào cụm thi riêng, Kỳ thi THPT quốc gia sẽ ổn định lâu dài, tác động tích cực đến đổi mới việc dạy và học, đảm bảo chất lượng tuyển đầu vào ĐH, CĐ, phân luồng mạnh sau cấp THPT, tiếp cận với xu hướng tuyển sinh của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Tuy nhiên, việc áp dụng một mô hình mới cùng với những thay đổi mạnh về mục đích kỳ thi cũng mang lại không ít khó khăn thách thức.
Công tác chỉ đạo, điều hành khi tổ chức một kỳ thi đồng loạt trên toàn quốc khá phức tạp, dễ có sai sót. Sự phối hợp giữa các Sở GD&ĐT với các trường ĐH, CĐ chỉ có thể hiệu quả cao khi có sự phân định rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên tham gia kỳ thi.
Sự thay đổi quy trình tuyển sinh như lâu nay sang thi trước, xét tuyển sinh sau sẽ tạo những khó khăn, phức tạp nhất định cho các trường ĐH, CĐ.
Bên cạnh đó còn có những khó khăn sẽ phát sinh trong quá trình tổ chức, do đó, việc vừa thực hiện vừa chỉnh sửa cho phù hợp có lẽ là không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định: “Nếu những khó khăn thách thức này nằm ở vai Bộ, giáo viên, cơ quan quản lý mà các em học sinh được tạo thuận lợi hơn, xã hội bớt được căng thẳng, kỳ thi ngày càng nghiêm túc chất lượng thì Bộ sẵn sàng nhận phần khó”.