Tin mới

Bộ Giáo dục đề xuất phương án hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ sáu, 08/01/2016, 11:09 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra tờ trình, báo cáo Thủ tướng về việc xây dựng Đề án, đề xuất phương án hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân.

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra tờ trình, báo cáo Thủ tướng về việc xây dựng Đề án, đề xuất phương án hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo Dân trí, Thanh niên và VOV, trong báo cáo Thủ tướng về việc xây dựng Đề án, đề xuất phương án hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD&ĐT cho biết, hệ thống giáo dục quốc dân sẽ có sự điều chỉnh căn bản từ cấp mầm non cho đến đại học.

Trong đó, giáo dục mầm non gồm nhà trẻ và mẫu giáo; giáo dục phổ thông cơ bản không thay đổi: tiểu học 5 năm; THCS 4 năm; THPT 3 năm. Giáo dục tiểu học và THCS (9 năm) chỉ có một luồng là giáo dục cơ bản. THPT có 3 luồng, gồm: định hướng chung (có tính hàn lâm/khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao).

Giáo dục nghề nghiệp gồm: đào tạo sơ cấp 1 - 3 năm; trung cấp 3 năm (để đảm bảo khối lượng kiến thức phổ thông tối thiểu tương đương THPT); CĐ 2 - 3 năm.

Giáo dục bậc cao gồm: ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, ĐH học từ 3 - 4 năm, phân thành 3 luồng: định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng; định hướng thực hành.

Thạc sĩ từ 1 - 2 năm, phân thành 2 luồng: định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng.

Theo Bộ Giáo dục, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được đề xuất trong tờ trình này có một số điều chỉnh so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về giáo dục.

Ở cấp giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên các trình độ và phân tầng giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học nhưng có điều chỉnh về thời gian đào tạo trình độ đại học (đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật giáo dục: 4-6 năm) và trình độ tiến sĩ ( đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật giáo dục: 2-4 năm). Các điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học.

Cũng theo Bộ GD&ĐT nhận định, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay bị phân mảnh, liên kết lỏng lẻo giữa các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học), quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa hợp lý, không đồng bộ. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.

Theo Bộ GD&ĐT, với phương án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới sẽ khắc phục được các tồn tại trên.

Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news