Tin mới

Bộ GTVT: BOT Cai Lậy rối loạn là do chính sách thu phí còn bất cập

Thứ năm, 07/12/2017, 21:21 (GMT+7)

Trước việc dư luận phản đối mạnh mẽ về một số bất cập tại trạm thu phí BOT, Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo giải trình với Thủ tướng Chính phủ và một số bộ ngành chức năng. Bộ GTVT cũng khẳng định sẽ kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan.

Trước việc dư luận phản đối mạnh mẽ về một số bất cập tại trạm thu phí BOT, Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo giải trình với Thủ tướng Chính phủ và một số bộ ngành chức năng. Bộ GTVT cũng khẳng định sẽ kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan.

Về bức xúc của người dân sử dụng đường bộ, trong đó có trạm Cai Lậy, có nguyên nhân chính là Chính sách thu phí còn bất cập. Ảnh: NLĐ

Theo tin tức trên Tiền phong, Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo giải trình với Thủ tướng Chính phủ và một số bộ ngành chức năng về một số bất cập tại trạm thu phí BOT.

Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn từ 2011 đến 2015 ngành giao thông cần 575 nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông đã được Nghị quyết Đại hội XI thông qua, tuy nhiên khả năng cân đối vốn của Nhà nước chỉ được khoảng 16%. Để huy động trên 80% vốn còn lại, Chính phủ đã cho phép Bộ GTVT thực hiện các dự án bằng hình thức đối tác công tư (PPP) trong đó chủ yếu là BOT, BT.

Sau 5 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn cho thấy việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT cũng bộc lộ một số tồn tại về cơ chế chính sách và công tác quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó nổi bật là hệ thống chủ trương, chính sách chưa hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế; công tác lập, thẩm định, tính toán phương án tài chính, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư còn bất cập, dẫn đến nhân dân chưa đồng huận...

Nguyên nhân của việc này, Bộ GTVT cho rằng, có chủ trương nhưng trong quá trình thực hiện các đơn vị triển khai chưa lường hết tác động xã hội; công tác quản lý nhà nước tại một số nội dung còn có cách vận dụng, hiểu khác nhau dẫn đến phát sinh bất cập; nhiều nhà đầu tư chưa am hiểu sâu về đầu tư theo hình thức BOT, chưa xem xét lượng hóa rủi ro, đồng thời còn hạn chế về kinh nghiệm trong quản lý đầu tư...

Đưa ra hướng xử lý những bất cập trên, Bộ GTVT cho rằng, Bộ đang khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp luật về hình thức đầu tư PPP. Từ kết quả thanh, kiểm tra, đặc biệt là kết luận của Thanh tra, Kiểm toán, Bộ GTVT sẽ xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc.

Liên quan đến tình hình trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cho biết, sau khi trạm đi vào hoạt động từ 1/8/2018 và thu với mức phí từ 35.000 đến 180.000/lượt ô tô các loại, tình hình an ninh trật tự, ATGT diễn biến phức tạp, các tài xế khi qua trạm đã dùng tiền lẻ (mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng) vo tròn, nhét vào chai nhựa, thấm nước... để trả phí qua trạm.

Việc này đã gây khó khăn cho nhân viên thu phí, cố tình kéo dài thời gian qua trạm, gây ùn tắc giao thông. “Về bức xúc của người dân sử dụng đường bộ, trong đó có trạm Cai Lậy, có nguyên nhân chính là chính sách thu phí còn bất cập”, đại diện Bộ GTVT thừa nhận.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ GTVT cho biết, từ tháng 5/2017 Bộ GTVT đã có văn bản giao Tổng Cục đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư căn cứ vào từng điều kiện cụ thể dự án, vị trí đặt trạm để đề xuất phương án xử lý bất cập. Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam làm việc cụ thể với từng địa phương theo hướng phương tiện lân cận khu vực sẽ được miễn, giảm giá dịch vụ. Đến nay trạm Cai Lậy đã giảm gần 30% mức phí cho phương tiện qua lại. Với xe của người dân địa phương gần trạm, giảm 100%.

Trước đó, theo tin tức trên VnExpress, trong buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ chiều 5/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ: "Trong thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư BOT có một số dự án làm chưa đúng, còn sai sót ở chỗ đặt trạm thu phí ở đâu, mức thu phí như thế nào, thời gian thu phí ra sao... Ví dụ như ở Cai Lậy, là có một số vấn đề cần xem xét, điều chỉnh".

Bà Kim Ngân nhấn mạnh, Quốc hội sẽ tiếp tục chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án BOT, nhằm chấn chỉnh lại hoạt động trong lĩnh vực này và không để xảy ra sự cố như tại trạm BOT Cai Lậy.

Trạm thu phí Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trạm thu phí hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.

Sáng 30/11, trạm thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. Tuy nhiên, trong 5 ngày thu phí trở lại đã có 24 lần trạm thu rồi lại xả do sự phản ứng từ tài xế. Họ đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi thối 100 đồng hoặc đưa tiền mệnh giá lớn để trả phí.

Tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ một đến hai tháng để Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news