Bộ LĐ-TB&XH dự kiến đề xuất 2 phương án nâng tuổi nghỉ hưu đối với nữ giới, lên 58 tuổi hoặc 60 tuổi so với tuổi nghỉ hưu hiện hành, nếu được Quốc hội thông qua thì có thể bắt đầu áp dụng sau năm 2020.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân. Ảnh: KT |
Phát hiểu tại cuộc đối thoại trực tuyến về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/10, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Minh Huân cho biết bộ này đang dự kiến đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam giới, tăng thêm hai tuổi so với hiện hành.
Với nữ giới có 2 phương án, phương án một là nâng lên ba tuổi so với hiện hành, lên 58 tuổi, phương án 2 là nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi, tức là tăng thêm 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu hiện hành.
Trên Tuổi trẻ, Tiền phong dẫn lời ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nhiều doanh nghiệp có ý phản đối đề xuất này, tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam không cao nên chưa nghỉ hưu đã ốm đau nếu vẫn tiếp tục lao động người lao động lớn tuổi lại hưởng mức lương cao, ảnh hưởng đến quỹ lương và chất lượng công việc của doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến lo ngại là tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng hay không đến cơ hội việc làm cho lao động trẻ?
Trước lo ngại này, ông Huân cho biết nếu 2017 Quốc hội thông qua đề xuất về tuổi nghỉ hưu mới thì phải 2020 mới bắt đầu áp dụng để “chuẩn bị và đánh giá tác động”. Ở nhiều nước nếu tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm thì mỗi năm họ chỉ tăng thêm 2 tháng để tránh các tác động.
Theo ông Lợi, 6 tháng đầu năm nay, 191.000 sinh viên ra trường chưa có việc làm. Chính phủ cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh tuổi hưu, cân đối thị trường lao động để tạo cơ hội cho lao động trẻ, lao động có chuyên môn.
"Nếu nâng tuổi nghỉ hưu thì người có năng lực, mới ra trường ngồi ở đâu? Chúng ta đang ở độ tuổi lao động sung sức song không để tình trạng chảy máu chất xám", ông Lợi nói
Cũng theo ông Lợi, hiện có nhiều ý kiến lo ngại nâng tuổi nghỉ hưu thì chỉ “lãnh đạo thích, còn người lao động phải làm thêm thì không muốn, không thích”, ông Lợi cho rằng quan điểm của ông cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý nên nghỉ hưu ở tuổi nghỉ hưu hiện hành, và tiếp tục làm thêm ở vị trí chuyên gia, chuyên viên cao cấp cho đến tuổi nghỉ hưu mới.
“Quyết định còn ở Quốc hội, nhưng như cá nhân tôi thì đến cuối 2019 là tôi tròn 60 tuổi tôi sẽ xin nghỉ hưu vị trí Phó chủ nhiệm, khi đó tôi vẫn đang là đại biểu Quốc hội và tôi sẽ đi dạy học, thù lao dạy học tôi sẽ mua bò tặng người nghèo. Từ thù lao đi dạy những năm qua tôi đã mua được 100 con bò cái tặng người nghèo” - ông Lợi vui vẻ cho biết.
Về các nghề nghiệp sẽ phải tăng tuổi nghỉ hưu đầu tiên, ông Lợi cho biết nên là các ngành y tế, giáo dục, nghiên cứu viên, cơ quan quản lý nhà nước, nhưng phải là các vị trí nhà khoa học, bác sĩ giỏi, nghiên cứu viên…, tức là các vị trí cần “chất xám” thực sự.
“Người lao động nặng nhọc, người làm việc trong môi trường độc hại hoặc lao động giản đơn… thì chưa nên áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu ngay từ 2020 ”- ông Lợi nêu ý kiến.
Liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ làm giảm cơ hội của lao động trẻ được vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, trên Zing News dẫn lời Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận, thực tế nhiều người vào được công chức là nghiễm nhiên làm đến hết đời, mà không biết chất lượng công việc có tốt có đảm bảo hay không.
Thứ trưởng Huân cho rắng: “Phải bỏ việc cứ vào công chức biên chế hiển nhiên là làm việc suốt đời, mà phải có quá trình đánh giá công việc trong 5 năm, 10 năm như một số nước khác. Nguyên tắc khu vực công chức có vào, có ra mới nâng cao được chất lượng, còn cứ ngồi mãi thì rất khó”.
Theo ông Huân, Quốc hội chưa bàn đến điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Nếu được Quốc hội thông qua thì có thể bắt đầu áp dụng sau năm 2020.
Đức Hòa (tổng hợp)