Theo luật sư, việc bãi bỏ quy định cấm người mẫu, người đẹp đoạt danh hiệu chụp và phổ biến ảnh khoả thân trên mạng viễn thông là phù hợp và sẽ "cởi trói" cho một mảng văn hóa, nghệ thuật…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 14/11 vừa ban hành Thông tư 10/2016/TT-BVHTTDL sửa đổi và bãi bỏ một số điều chưa hợp lý của Thông tư 01/2016-BVHTTDL (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017), trong đó không còn đề cập đến nội dung cấm người mẫu, người đẹp đoạt danh hiệu chụp và phổ biến ảnh khoả thân trên mạng viễn thông.
Cụ thể, Thông tư 10 bãi bỏ khoản 1, điều 3 của Thông tư 01 quy định hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu. Theo đó, những người mẫu, người đẹp, người tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sẽ không bị ràng buộc bởi quy định cấm chụp và phổ biến ảnh khoả thân trên mạng viễn thông.
Không ít người lo ngại việc bãi bỏ quy định này sẽ tạo nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, có thể nói ranh giới giữa "nghệ thuật" và "dung tục" đôi khi rất mong manh và khó phân định rạch ròi, nhất là đối với các nhà quản lý lại càng khó khăn khi ban hành các quy định về lĩnh vực liên quan này. Chính vì vậy có người đã cho rằng: Một bức ảnh khỏa thân có thể hiểu ở hai nghĩa, một là công trình của tạo hóa, hai là sự dung tục.
Thí sinh hoa hậu Việt Nam 2016 trong phần thi trình diễn bikini - Ảnh minh họa |
“Việc Thông tư 10/2016/TT-BVHTTDL bãi bỏ khoản 1, điều 3 của Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL “quy định hành vi của người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu. Theo đó, những người mẫu, người đẹp, người tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sẽ không bị ràng buộc bởi quy định cấm chụp và phổ biến ảnh khoả thân trên mạng viễn thông” là một sự cân nhắc, tính toán kĩ càng của các nhà quản lý sau khi có ý kiến phản đối mạnh mẽ từ phía cộng đồng xã hội. Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm sửa đổi này và nhận thấy việc sửa đổi, bãi bỏ quy định này là phù hợp, là "cởi trói" cho một mảng văn hóa, nghệ thuật” – luật sư Cường nói.
Luật sư Cường phân tích thêm, trên thực tế thông tư 01 đã vấp phải ý kiến phản đối từ phía cộng đồng, khi quy định trên được ban hành thì trên diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nhiếp ảnh, người đẹp đã phản ứng gay gắt vì cho rằng, quyền tự do cá nhân bị can thiệp, hạn chế sáng tạo nghệ thuật. Hiện tại, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không có quy định cấm nghệ thuật "Nude", ngoại trừ một số nước theo Đạo Hồi. Quy định cấm "nude" trong biểu diễn nghệ thuật không phải là giải pháp quản lý, mà là sợi dây trói sức sáng tạo nghệ thuật và những giá trị nghệ thuật, sự tinh tế của tạo hóa.
“Vẫn biết rằng ranh giới giữa "văn hóa lành mạnh" và "văn hóa phẩm đồi trụy" đôi khi khó phân định. Tuy nhiên, với những hành vi lợi dụng văn hóa, nghệ thuật, lợi dụng quyền tự do thông tin, tự do hình ảnh, quyền biểu diễn để truyển bá lối sống ăn chơi sa đọa, dâm ô, trụy lạc hoặc thúc đẩy, cổ súy cho lỗi sống ăn chơi, đàng điếm, dâm ô, trụy lạc... không phù hợp với thuần phong mỹ tục thì pháp luật nước ta đã có những chế tài cụ thể, ít nhất cũng là chế tài hành chính, mức độ nghiêm trọng có thể xử lý về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 253 Bộ luật hình sự” – luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường cho biết thêm, chúng ta cũng biết, “nude” là một loại hình nghệ thuật tương đối lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc chụp ảnh “nude” đôi khi còn tạo ra cả một công trình nghệ thuật, thúc đẩy những ý nghĩa nhân văn, kêu gọi các hành động ý nghĩa đối với cộng đồng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, phổ biến nhất là về môi trường.
"Như vậy không phải ảnh “nude” nào cũng phản cảm, thúc đẩy ý nghĩ xấu. Hiện nay, pháp luật nước ta đã có những chế tài hành chính và hình sự để xử lý với những hành vi lợi dụng quyền tự do hình ảnh, tự do thông tin... để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Đó là những công cụ pháp lý để quản lý lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Vì vậy, không nhất thiết phải có thêm quy định cấm "nude" để thêm một rào cản trong sáng tác nghệ thuật, mang lại những giá trị tinh thần cho nhân loại", ông Cường nêu quan điểm cá nhân.
Khoản 4, Điều 66, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện quy định: "4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; b) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.". Điều 253. BỘ LUẬT HÌNH SỰ 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: Điều 253. Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ: 1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi truỵ, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Vật phạm pháp có số lượng lớn; b) Phổ biến cho nhiều người; c) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn; c) Đối với người chưa thành niên; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. |
Xem thêm video:
[mecloud]c7bI5c1BQQ[/mecloud]
Tiểu Phương (ghi)