Tin mới

Bộ Ngoại giao Họp báo lần thứ 5 về tình hình Biển Đông

Thứ hai, 16/06/2014, 15:53 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Chiều nay (16/6), Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức Họp báo Quốc tế lần thứ 5 để tiếp tục cung cấp thông tin cho báo chí trong nước và quốc tế về tình hình giàn khoan Hải Dương 81 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và những diễn biến ngoài hiện trường.

 

 

(Tinmoi.vn) Chiều nay (16/6), Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức Họp báo Quốc tế lần thứ 5 để tiếp tục cung cấp thông tin cho báo chí trong nước và quốc tế về tình hình giàn khoan Hải Dương 81 của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và những diễn biến ngoài hiện trường.

Buổi họp báo sẽ diễn ra vào lúc 17h ngày 16/6, tại Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền, Hà Nội) và được Tinmoi.vn tường thuật trực tiếp.

Đây là lần thứ 5 Bộ Ngoại giao tổ chức Họp báo Quốc tế kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên cho hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế  và thềm lục địa của Việt Nam.

Trực tiếp họp báo Bộ Ngoại Giao lần thứ 4 về giàn khoan Trung Quốc
Ông Lê Hải Bình - Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Trước vấn đề này, trong các cuộc họp báo quốc tế đã tổ chức, phía Bộ Ngoại giao nói riêng và Việt Nam nói chung luôn nhất quán quan điểm, khẳng định “Khu vực giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan nói trên và các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình”.

PV

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news