(Tinmoi.vn) Trước dự thảo về đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT có phương án bỏ ngoại ngữ ra khỏi danh sách môn thi chính thức, nhiều người cho rằng đây là “bước lùi vĩ đại trong lịch sử ngành giáo dục”.
Trước đây, bộ GD-ĐT cũng từng đưa ra phương án bỏ thi môn Ngoại ngữ nhưng vì có nhiều ý kiến phản đối nên việc này đã dừng lại. Cho đến năm 2014 này, Bộ lại đưa ra dự thảo thi 4 môn, 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn còn lại do thí sinh chọn trong 5 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Môn Ngoại ngữ chỉ giúp học sinh đạt điểm cộng nếu học sinh đăng ký thi. Phương án đề ra nếu điểm thi Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm. Bài thi đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm và đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.
Bỏ thi ngoại ngữ: "Một bước lùi vĩ đại trong lịch sử giáo dục"
Phương án mới đưa ra của Bộ Giáo dục khiến không chỉ các nhà giáo dục mà ngay cả học sinh, phụ huynh đều cảm thấy ngỡ ngàng, cho đây là sự “cải lùi” của ngành giáo dục nước nhà.
Bạn Phương Apple, một sinh viên sắp ra trường bình luận: “Mình là sinh viên sắp ra trường, mình không học được ngoại ngữ nhưng thực sự mình vẫn muốn Bộ không bỏ thi môn này. Không phải vì làm khó các bạn, nhưng lên đại học các bạn mới biết: Biết ngoại ngữ là 1 lợi thế tốt cho sau này”.
Một giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội cũng bức xúc trước thông tin bỏ thi môn Ngoại ngữ khỏi chương trình thi tốt nghiệp: “Mình là giáo viên Tiếng Anh… trước đây còn thi tốt nghiệp môn này thì học sinh trường mình đã có khoảng 50% học sinh mất kiến thức cơ bản và không muốn học tiếng Anh rồi. Giờ mà bỏ thi thì chắc con số này lên đến 80-90% quá!”.
Độc giả yokilai hóm hỉnh bình luận: “Nước người ta học song song tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh luôn, nước mình đã dốt Anh văn mà còn bỏ thi, có khác nào học sinh ngày càng coi nhẹ việc học tiếng Anh. Sau này Lào, Campuchia nói tiếng Anh như gió, còn Việt Nam ngóc mỏ lên dòm rồi nghe chẳng hiểu gì. Một bước lùi vĩ đại trong lịch sử giáo dục Việt Nam”.
Bảo Linh