Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng chia sẻ ngắn gọn về “góp ý” thẳng thắn của của đại biểu Cao Sĩ Kiêm.
Tin tức từ tờ Infonet, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao “tác phong” của Bộ trưởng Đinh La Thăng, song ông Kiêm cũng góp ý rằng: Bộ trưởng Thăng nên ở nhà xây dựng một cơ chế để tự người ta làm hơn là ra đường giải quyết các việc cụ thể, vụn vặt.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh: Báo Infonet
Chiều 17/11, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng chia sẻ ngắn gọn với phóng viên về “góp ý” thẳng thắn của của đại biểu Cao Sĩ Kiêm.
Trước câu hỏi đặt ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt lại câu hỏi với PV: “Theo cậu thì phải làm thế nào?”.
Bộ trưởng Thăng nói thêm: Góp ý của đại biểu Kiêm là gián tiếp trên báo chí, chứ không góp ý trực tiếp nên ông “không bình luận” và cho rằng việc đó hãy để cho người dân tự nhìn nhận đánh giá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng chia sẻ ngắn gọn: “Đã là Bộ trưởng thì phải làm cả 2 việc. Gần dân cũng là hoạch định chính sách và làm Chính sách cũng là để gần dân”.
Bộ trưởng Thăng cũng sẽ trả lời về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải.
Sáng nay, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng trả lời chất vấn, trong đó sẽ có một số nội dung liên quan đến biên chế, tăng lương từ 1/1/2015 theo Nghị quyết của Quốc hội đối với hệ số lương từ 2,34 trở xuống, và tăng tương ứng 90.000 đồng/người/tháng.
Theo Bộ Nội vụ, cải cách tiền lương thời gian qua chưa đạt mục tiêu. Vì bộ máy vẫn cồng kềnh, trong khi ngân sách có hạn nên chưa bảo đảm cho công chức sống được bằng lương, làm ảnh hưởng chất lượng công việc. Tuy nhiên, không thể không tăng lương theo lộ trình - mặc dù mức tăng này theo đánh giá mới chỉ như chế độ phụ cấp.
Nhiều chuyên gia đề xuất, nên tinh giảm khoảng 40% tổng số cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu hiện nay, bố trí công việc thích hợp hoặc giải quyết chính sách cho họ tự lo việc làm. Đồng thời, dành nguồn kinh phí đó để tăng lương cho tất cả các đối tượng còn lại. Bởi vậy, Đề án tinh giản 100.000 công chức, viên chức đến năm 2020 của Bộ Nội vụ, sẽ phải tính toán đến những phương án này.
Mai Nguyên