Theo Bộ trưởng Tô Lâm, từ nay đến năm 2021, Bộ Công an không tăng bất cứ một biên chế nào, toàn bộ là sắp xếp trong nội bộ và duy trì biên chế hiện có. Do đó, từ nay đến năm 2021, khi Luật CAND sửa đổi được ban hành thì cũng không tăng biên chế.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: QH
Giải trình tại phiên thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm cho biết, tại phiên họp ngày 19/10/2018, Bộ Chính trị đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật.
Trên cơ sở quán triệt ý kiến của Bộ Chính trị, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và của nhân dân, Ban soạn thảo đã phối hợp với UBQPAN, các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện một bước dự án Luật trình Quốc hội thảo luận trước khi xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này theo đúng chương trình làm việc của Quốc hội.
Giải trình làm rõ thêm việc chính quy hoá lực lượng công an xã, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Bộ đã có văn bản của Đảng uỷ Công an TƯ gửi cho Thường vụ tỉnh uỷ 63 tỉnh thành trong cả nước. Trong số 40 ý kiến phản hồi thì gần như 100% ý kiến của các Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhất trí với chủ trương này.
Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc chính quy hoá lực lượng Công an xã cũng đã có ý kiến chỉ đạo, Bộ có văn bản của Đảng uỷ Công an Trung ương gửi cho Thường vụ Tỉnh uỷ 63 tỉnh thành trong cả nước.
“Một số địa phương đã đề nghị triển khai ngay. Có những địa phương hiện đã triển khai Công an chính quy được 5 tháng.
Chúng tôi mới phối hợp sơ kết đánh giá, kết quả rất tốt, hầu hết đều mong muốn triển khai chứ không có ý kiến khác”, trên VOV dẫn lời ông Tô Lâm cho biết.
Người đứng đầu ngành Công an cũng khẳng định cam kết với Quốc hội khi trình dự án Luật này là không tăng biên chế. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở vì trên thực tế đây là việc đánh giá và bố trí lại lực lượng trong CAND.
Chính phủ cũng đã đồng ý là từ nay đến năm 2021, Bộ Công an không tăng bất cứ một biên chế nào, toàn bộ là sắp xếp trong nội bộ và duy trì biên chế hiện có. Do đó, từ nay đến năm 2021, khi Luật CAND sửa đổi được ban hành thì cũng không tăng biên chế.
Về vấn đề trang bị cho lực lượng Công an xã, ngành tính toán sẽ tăng cường 3 phương tiện: Xe máy tuần tra giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và công cụ hỗ trợ. Kinh phí Bộ Công an tính toán bố trí.
Các cơ sở công nghiệp an ninh, các nhà máy sản xuất công cụ hỗ trợ của Bộ Công an cũng có kế hoạch để đủ trang bị cho lực lượng Công an xã chính quy.
Bàn về xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho hay, tình hình an ninh nông thôn hiện nay rất phức tạp, vai trò của công an xã hết sức quan trọng, nếu có lực lượng chính quy thì các vụ việc ở cơ sở sẽ được giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, ông cho rằng cần đánh giá đầy đủ toàn diện tất cả tác động của quy định.
“Thực tế hiện nay cả nước có hơn 9.330 xã, nếu mỗi xã có 5 cán bộ công an chính quy, Bộ Công an phải bố trí trên 4 vạn cán bộ, điều này có ảnh hưởng gì đến đề án tinh giản biên chế và quỹ lương quốc gia không?”, trên VietNamNet dẫn lời ông Thưởng băn khoăn.
Về việc này, ông Tô Lâm nhấn mạnh đây là lực lượng rất quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt ở cơ sở không thể thiếu được.
Theo lộ trình, Bộ sẽ đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng 1 dự luật về lực lượng trị an ở cơ sở, trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh về Công an xã, Pháp lệnh về lực lượng bảo vệ ở các cơ quan, xí nghiệp và Nghị định 38 về lực lượng dân phòng ở các khu phố.
“Đây là hướng để giải quyết đối với các lực lượng này, chứ không phải chuyển sang lực lượng khác hay không giam gia bảo vệ trật tự trị an ở cơ sở nữa” – Bộ trưởng Công an nói và cho biết sau buổi thảo luận hôm nay, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về hình thức và nội dung, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua.