Liên quan đến vụ trao nhầm con cách đây 6 năm tại BVĐK huyện Ba Vì, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, sự cố trên đã gây ra sự ám ảnh, tổn thương quá lớn cho 2 gia đình…
TS Nguyễn Huy Quang.
Ngay sau khi nhận được đơn thư phản ánh của gia đình anh Phùng Giang Sơn (Ba Vì, Hà Nội) về việc sau 6 năm nuôi con, vợ chồng anh phát hiện người con mà mình nuôi nấng là do bị Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm, Bộ Y tế đã có công văn chuyển sự việc này đến Sở Y tế Hà Nội đề nghị chỉ đạo làm rõ xử lý nghiêm sai phạm.
Y sĩ Đức và Mai trả lời phỏng vấn về sự việc. Ảnh cắt từ clip VTC14
Dưới góc độ cá nhân, trao đổi với báo chí về vụ việc này chiều ngày 12/7, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, việc bệnh viện cho 2 gia đình là trường hợp hy hữu, không ai mong muốn.
Nguyên nhân là do ekip ngày đỡ sinh hôm đó đã thực hiện không đúng quy trình, có sự tắc trách, làm ẩu.
Và từ sai phạm đó đã gây ra hậu quả vô cùng quan trọng, hết sức đau lòng cho những người liên quan. Thậm chí, thấy con mình lớn lên không giống bố mẹ, có gia đình vợ chồng đã cãi vã, ly hôn…
Ngay cả khi bây giờ, khi đã biết sự thật là bị trao nhầm con, việc 2 gia đình có sẵn sàng để trao đổi lại con đẻ của mình, chấp nhận chia tay với người con tuy không phải con ruột nhưng mình đã nuôi nấng suốt 6 năm và yêu thương hết mực như con đẻ hay không, thật khó để giải quyết thấu tình đạt lý.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cũng cho rằng, sự việc đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật, vượt khỏi quan niệm đúng sai.
Thế nên giải quyết vụ việc này cũng đừng nên chỉ nhìn nhận về mặt pháp luật, bồi thường tiền bạc hay khiếu kiện xử lý trách nhiệm, mà còn cả vấn đề mang tính nhân văn.
“Khi giải quyết, nếu các bên không thể thoả thuận sẽ phải ra toà, toà án sẽ xem xét mức thiệt hại và ra phán quyết mức bồi thường cụ thể.
Nhưng tôi khẳng định lại một lần nữa, chúng ta không nên khoét sâu về việc bồi thường mà cần xem xét về tình người. Còn những cái sai, hãy để người làm sai tự vấn lương tâm. Điều quan trọng lúc này là vì tương lai con trẻ” – TS Quang nói và khẳng định, sau vụ việc lần này, các cơ sở y tế, nhân viên y tế càng cần phải nâng cao tính kỷ luật và trách nhiệm, siết chặt lại quy trình chuyên môn, không để xảy ra các sai sót đáng tiếc tương tự.
Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV đa khoa huyện Ba Vì) cho rằng, việc trao nhầm con giữa gia đình anh Sơn và chị Hương chỉ là vô ý và bệnh viện đã xử lý ban đầu trách nhiệm của 2 nữ hộ sinh.
Ngày 13/7, đại diện phía bệnh viện cho biết, đơn vị vừa tạm dừng chuyên môn, điều chuyển 2 nữ hộ sinh trong kíp trực trao nhầm con 6 năm trước sang làm công việc khác trong khi chờ xử lý. 2 nữ hộ sinh này là y sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai và Nguyễn Thị Đức.
Bác sĩ CKII Đỗ Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cho rằng đây là sai sót hi hữu, nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại bệnh viện trong hàng chục năm qua. Đồng thời, bác sĩ Hùng cũng khẳng định đây chỉ là sự nhầm lẫn từ phía ca trực ngày hôm đó.
Hiện sự việc vẫn đang trong quá trình giải quyết do các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và hướng giải quyết ổn thỏa.
Đức Hoà (tổng hợp)