Tin mới

“Bông hồng vàng” Phú Yên: Từ đại gia thành con nợ nghìn tỷ

Thứ bảy, 24/02/2018, 09:56 (GMT+7)

Kinh doanh thua lỗ, tài sản xuống cấp, âm vốn chủ sở hữu, nợ đọng nhiều năm, không còn tiền tái sản xuất kinh doanh... những vấn đề cố hữu khiến "bông hồng vàng" đất Phú Yên năm nào không thể thoát khỏi vòng tuần hoàn luẩn quẩn do chính mình tạo ra.

Kinh doanh thua lỗ, tài sản xuống cấp, âm vốn chủ sở hữu, nợ đọng nhiều năm, không còn tiền tái sản xuất kinh doanh... những vấn đề cố hữu khiến "bông hồng vàng" đất Phú Yên năm nào không thể thoát khỏi vòng tuần hoàn luẩn quẩn do chính mình tạo ra.

Ngân hàng siết nợ 2.200 tỷ đồng

Ngay những ngày đầu năm 2018, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Phú Tài thông báo chào bán và tìm kiếm đơn vị thẩm định giá trị khoản nợ xấu của công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Khoản nợ này đã quá hạn nhiều năm. Thông tin từ BIDV Phú Tài cho biết, dư nợ gốc của Thuận Thảo Nam Sài Gòn cùng 95 cá nhân liên quan là 1.208 tỷ đồng, dư nợ lãi là 1.070 tỷ đồng (tạm tính đến ngày 31/12/2017).

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ bao gồm 3 bất động sản: Bất động sản tại địa chỉ 100B, đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM có diện tích đất là hơn 275 m2 và diện tích sàn là hơn 212 m2. Ngoài ra còn có 16,6 ha đất ở khu phố 2, thị trấn Tần Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM và5,4 ha đất tại khu phố 4, Thị trần Tần Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT công ty Thuận Thảo.

Bên cạnh đó, 5,2 triệu cổ phiếu GTT của công ty cổ phần Thuận Thảo cũng được mang ra làm tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, cập nhật thông tin trên thị trường, với mức giá chỉ là 500 đồng/CP – mức thị giá thấp nhất trên sàn chứng khoán hiện nay, giá trị hiện tại của khối cổ phiếu này chỉ còn 2,6 tỷ đồng.

Thuận Thảo Nam Sài Gòn là doanh nghiệp do bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo - thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản sau “đại thắng” trong vận tải hành khách. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng công trình dân dụng. Sau gần 10 năm hoạt động, công ty được UBND TP. HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn.

Theo tìm hiểu, ngoài BIDV chi nhánh Phú Tài, công ty ký hợp đồng vay 400 tỷ đồng từ Thuận Thảo với thời hạn 1 năm và lãi suất 14,4%. Theo báo cáo tài chính quý IV/2017 của công ty Thuận Thảo do bà Võ Thị Thanh làm Chủ tịch, doanh nghiệp này cũng đã phải chấp nhận mất trắng số tiền 400 tỷ đồng để trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản vay trên. Chưa kể số tiền lãi phát sinh hơn 53 tỷ đồng dự thu trong nhiều năm qua cũng không có khả năng thu hồi từ Thuận Thảo Nam Sài Gòn.

Quá khứ huy hoàng…

Tài chính - Ngân hàng - “Bông hồng vàng” Phú Yên: Từ đại gia thành con nợ nghìn tỷ (Hình 2).

Đội xe khách chất lượng cao của Thuận Thảo từng làm nên danh tiếng của bà Võ Thị Thanh 

Thuận Thảo cũng là chủ đầu tư nhiều công trình biểu tượng tại mảnh đất này như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land, Khách sạn 5 sao Cendeluxe – khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên hiện nay, nhà hát Sao Mai...

Nhờ những thành công trên, từ năm 2006 - 2011, bà Võ Thị Thanh liên tục nhận được giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng Vàng.

Đây là giải thưởng do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao nhằm ghi nhận, tôn vinh phụ nữ Việt Nam nói chung, doanh nhân nữ Việt Nam nói riêng đã có những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

Thực tại đắng cay

Tuy vậy, cho đến nay, chính những công trình biểu tượng quá tầm đối với tiềm năng du lịch tỉnh Phú Yên lại trở thành vận hạn của Thuận Thảo. Kinh doanh thua lỗ, vay nợ đầm đìa, tài sản xuống cấp khiến công ty không đủ khả năng vay tiền ngân hàng.

Đỉnh điểm là tháng 2/2017, cục Thuế Phú Yên – Cơ quan quản lý thuế của CTCP Thuận Thảo - đã có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với doanh nghiệp này. Quyết định này có hiệu lực đến hết tháng Hai năm nay.

Cục Thuế Phú Yên cũng ban hành thông báo về danh sách hóa đơn GTGT tem vé thuộc loại hóa đơn GTGT (dùng trong hoạt động vận chuyển hành khách của Thuận Thảo) không còn giá trị sử dụng. Khi đó, Phó Cục trưởng cục Thuế – ông Công Văn Lãnh cho biết, tính đến cuối năm 2016, công ty Cổ phần Thuận Thảo nợ thuế 119 tỷ đồng, trong đó hơn 116 tỷ nợ trên 90 ngày, nhưng doanh nghiệp không trả. Trong thời gian này, doanh nghiệp trả hết nợ thuế thì cục Thuế Phú Yên sẽ thông báo cho phép sử dụng lại hóa đơn, nếu không sẽ chuyển biện pháp xử lý cao hơn.

Cho đến cuối năm 2017, số dư nợ thuế của Thuận Thảo không hề giảm mà còn tiếp tục tăng lên. Báo cáo tài chính quý IV/2017 do doanh nghiệp công bố cho thấy, tổng số tiền phải nộp ngân sách Nhà nước của Thuận Thảo là 124,5 tỷ đồng, riêng thuế GTGT gần 60 tỷ đồng và các khoản phí phải nộp khác là 57,4 tỷ đồng.

Dù không còn được phát hành hóa đơn nữa, nhưng từ khi quyết định cưỡng chế của cục Thuế Phú Yên có hiệu lực, CTCP Thuận Thảo vẫn tiếp tục kinh doanh. Mỗi hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ từ đầu tháng 3/2017 tới nay đều phải có đơn đề nghị cấp hóa đơn lẻ, thông báo cho phép của cục Thuế Phú Yên đồng thời Thuận Thảo phải cam kết nộp ngay tiền thuế bằng 18% tổng Doanh thu trên hóa đơn.

Tính đến hết tháng 12/2017, Thuận Thảo báo lỗ thêm gần 160 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.079 tỷ đồng - vượt xa mức vốn điều lệ là 435 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm mạnh trong năm do doanh nghiệp của bà Võ Thị Thanh chấp nhận đóng cửa một số mảng kinh doanh so với trước đây.

Tài chính - Ngân hàng - “Bông hồng vàng” Phú Yên: Từ đại gia thành con nợ nghìn tỷ (Hình 3).

Cú sảy chân bất động sản khiến Thuận Thảo khó lòng đứng vững trong thời gian tới.

Trong bản giải trình nguyên nhân thua lỗ, những lý do cố hữu tồn tại thời gian dài vừa qua vẫn được nêu lên: "Các tài sản của công ty đã hoạt động nhiều năm, xuống cấp, trong khi đó công ty không tiếp cận được vốn vay để có nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, đầu tư bổ sung để phát huy hiệu quả kinh doanh".

Lãnh đạo Thuận Thảo cũng nhiều lần lên tiếng thừa nhận sai lầm trong việc đầu tư bất động sản như dự án Khu sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Chưa hết, dự án khách sạn từng được coi là biểu tượng của Phú Yên nhưng quá tầm so với thị trường địa phương. Tài sản của GTT, bao gồm các dự án đang triển khai như Công viên văn hóa du lịch Thuận Thảo và resort tại Phú Yên... đều đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Hiện tại, ngoài khoản nợ xấu 2.200 tỷ đồng tại Thuận Thảo Nam Sài Gòn đang bị rao bán, BIDV Phú Tài cũng là chủ nợ lớn nhất của Thuận Thảo với khoản vay 234 tỷ đồng (81,2 tỷ vay ngắn hạn và 152,7 tỷ vay dài hạn).

Thuận Thảo cho biết sẽ thanh lý, chuyển nhượng tài sản của các dự án, chuyển nhượng một số lĩnh vực kinh doanh để trả nợ ngân hàng, nợ thuế và nợ cá nhân. Đồng thời xử lý các tài sản thế chấp tại ngân hàng, quay vòng lấy vốn tái cấu trúc, đầu tư sửa chữa tôn tạo. Đáng nói, bảng cân đối tài sản của Thuận Thảo còn "treo" khoản mục chi phí lãi vay ngân hàng phải trả lên tới 650 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số nợ  gốc phải trả.                               

Nhiều nhà đầu tư đánh giá, sai lầm của Thuận Thảo không chỉ là “cú sảy chân” vào bất động sản khi ngành nghề kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách đang lên như diều gặp gió. Đây là xu hướng thường thấy ở nhiều doanh nghiệp, tập đoàn giai đoạn mở rộng kinh doanh.

Tuy vậy, ở Thuận Thảo, điều dễ thấy là bóng dáng của một công ty gia đình, trong đó gia đình Chủ tịch Võ Thị Thanh nắm quyền kiểm soát chủ yếu (4/5 thành viên HĐQT là người nhà bà Thanh gồm: Ông Võ Thanh Hoàng Chương, bà Võ Thanh Minh Hằng, bà Đặng Thị Nguyệt Thương). Tuy là doanh nghiệp niêm yết nhưng GTT thiếu yếu tố đại chúng và không có nhà đầu tư lớn tham gia bỏ vốn vào.

Với tình trạng giá cổ phiếu chỉ còn 500 đồng/đơn vị, số tiền mà nhà đầu tư cá nhân rót vào GTT chỉ còn như tờ giấy lộn, cổ đông nhỏ lẻ cũng không mấy thiết tha với tài sản của mình.

Hoa Liên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news