Tin mới

BS Võ Xuân Sơn: "Trước khi nghỉ việc, dù là tiến sĩ thu nhập chính thức của tôi chỉ loanh quanh 5-6 triệu đồng"

Thứ tư, 02/05/2018, 09:31 (GMT+7)

Người có khả năng mổ "hạch toán" thì tích cực mổ "hạch toán", người không có khả năng mổ "hạch toán" thì trông chờ vào phong bì, người không có phong bì thì phải vòi vĩnh...

 

Người có khả năng mổ "hạch toán" thì tích cực mổ "hạch toán", người không có khả năng mổ "hạch toán" thì trông chờ vào phong bì, người không có phong bì thì phải vòi vĩnh...

Làm việc trong hệ thống y tế công 20 năm, trước khi nghỉ việc, dù đã là tiến sĩ, thu nhập chính thức từ bệnh viện của tôi chỉ loanh quanh 5 đến 6 triệu đồng. Nếu tôi mổ "hạch toán" (một dạng mổ dịch vụ ngoài giờ), thì tôi sẽ có thêm tiền mổ loại đó, có khi gấp 2, 3 lần thu nhập chính thức.

Tất nhiên là tôi không thể sống bằng thu nhập chính thức. Tôi làm thêm. Tôi có phòng mạch. Những bệnh nhân đến phòng mạch tôi, nếu cần mổ, tôi sẽ đưa ra để mổ. Chẳng phải vì nếu mổ ở bệnh viện tư tôi sẽ có nhiều tiền hơn, mà vì theo tôi, trong cùng một bệnh viện, không nên áp dụng nhiều chuẩn mực khác nhau, nhất là khi chuẩn mực đó được dựa trên tiền.

Không phải không có lí do mà tôi nói như vậy. Tôi gần như rất ít khi mổ "hạch toán" trong bệnh viện công, nhưng có một thời gian, khi sếp yêu cầu chúng tôi phải mổ hết bệnh nhân, tôi thường xuyên phải mổ bệnh nhân chương trình ngoài giờ, có khi 7, 8 giờ tối mới bắt đầu. Trong khi đó, có nhiều bệnh nhân mổ "hạch toán" lại được mổ trong giờ.

Việc áp dụng nhiều chuẩn mực trong bệnh viện công được đưa ra với lí do giải quyết nhu cầu của bệnh nhân. Tuy nhiên, thực chất thì nó giải quyết nhu cầu của , và nó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những bệnh nhân ít tiền.

BS Võ Xuân Sơn: Khi nghỉ việc, dù là tiến sĩ, thu nhập chính thức của tôi chỉ loanh quanh 5-6 triệu đồng - Ảnh 1.

Những ca mổ "hạch toán" là nguồn thu nhập thêm cho bác sĩ nhưng cũng chẳng thấm gì với lao động họ bỏ ra.

Thế nhân viên y tế có quyền được kiếm tiền không? Tất nhiên là có. Họ cũng là người, họ cũng phải ăn, mặc, di chuyển, và có tiền để giải quyết những nhu cầu khác của bản thân và gia đình. Tôi kiếm tiền bằng cách làm phòng mạch, mổ cho bệnh nhân ở bệnh viện tư. Nhưng không phải ai cũng có khả năng đó.

Vậy thì họ phải kiếm sống bằng cách khác. Người có khả năng mổ "hạch toán" thì tích cực mổ "hạch toán", người không có khả năng mổ "hạch toán" thì trông chờ vào phong bì. Người trông chờ vào phong bì mà không có phong bì thì phải vòi vĩnh, gây khó. Người nào cảm thấy vòi vĩnh, hay nhận phong bì là nhục, thì móc nghéo ăn hoa hồng.

Đó là hậu quả của việc trả lương không đủ sống!

Trong những cách kiếm tiền trên, có vẻ như tôi thuộc nhóm lương thiện nhất. Thế các bạn có biết cái giá tôi phải trả là thế nào không?

Tôi không có thời gian cho gia đình, cho vợ con. Tôi vẫn phải bảo đảm công việc trong bệnh viện công. Ở đó, mỗi tuần tôi không chỉ làm việc 40, 48 giờ, mà có khi là 50, 60 giờ cho công việc được trả 5 hoặc 6 triệu đồng. Mỗi ngày, phòng mạch chiếm của tôi 3 đến 4 giờ.

Khi mọi người được nghỉ thứ bảy, thì đó là ngày làm việc căng thẳng nhất của tôi. Hôm rồi, khi tư vấn sức khỏe tại KNOC, một bạn nhắc lại kỉ niệm. Tôi mổ cho mẹ bạn ấy ở bệnh viện tư, và mẹ bạn ấy được mổ lúc 10 giờ đêm.

Ghê hơn nữa, mẹ bạn ấy không phải ca cuối cùng trong ngày. Thường thì hồi ấy tôi mổ từ 7 giờ sáng đến 11, 12 giờ đêm mới xong. Nhưng có hôm đến tận sáng Chủ nhật mới xong.

Trong thời gian làm luận án tiến sĩ, có những lúc, suốt mấy tháng, tôi chỉ ngủ khoảng 2, 3 giờ 1 ngày. Vừa phải kiếm sống, vừa phải bảo đảm trau dồi chuyên môn, để làm tốt cho người bệnh, lại vừa phải học hành lấy bằng cấp… 

Cuộc sống ấy không vui vẻ gì đâu, nếu các bạn hiểu được. Và thực tế thì cũng chẳng có mấy người có sức chịu đựng được như tôi.

Nếu người ta cứ mãi bám víu vào lí do ngân sách hạn hẹp để trả cho người làm thuê cho mình đồng lương rẻ mạt, thì những bất cập trong y tế và trong các lĩnh vực khác sẽ chẳng bao giờ giải quyết được.

Nếu người ta đừng xây tượng đài vô tội vạ, xây dựng một bộ máy cồng kềnh, đừng để cho những Vinaline, Vinshin… xảy ra, thì ngân sách chẳng đến mức hạn hẹp để không thể trả lương xứng đáng.

Nếu làm việc trong các cơ sở tư nhân, người lao động sẽ biết chủ cơ sở đánh giá những đóng góp của mình như thế nào thông qua mức lương mà họ trả cho mình. Theo góc độ ấy, thì nguời ta đã quá coi thường nhân viên y tế. Và, có thể nói người ta đã gián tiếp coi thường sức khỏe của người dân.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news