Bữa ăn cuối cùng của Hiếu là món xôi gà, thế nhưng, tử tù này chỉ mở to đôi mắt nhìn mọi người trong trạng thái hốt hoảng...
Con đường phạm tội của các tử tù là khác nhau. Có người gây tội vì thù hận, vì lợi nhuận, bị đồng tiền che mờ nhận thức. Lại có người gây án chỉ vì những phút không thể kiềm chế bản thân.... Thế nhưng, với những người tù khi lĩnh án tử và trước giờ thi hành án, bữa cơm cuối cùng bao giờ cũng nghẹn đắng nơi cổ họng.
"Tôi không ăn nổi"
Bị thua bạc và trở thành con nợ, Văn Đình Hiếu (25 tuổi, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) đã giết bà ngoại và làm ông ngoại bị thương để cướp của. Hiếu đã phải lĩnh án tử theo phán quyết của tòa án về tội Giết người, Cướp của.
Lấy dấu vân tay của một tử tù trước khi hành hình. (Ảnh: An ninh thế giới)
Theo miêu tả của Báo Ninh Thuận, trước giờ thi hành án, bữa ăn cuối cùng của Hiếu là món xôi gà. Thế nhưng, tử tù này chỉ mở to đôi mắt nhìn mọi người trong trạng thái hốt hoảng và cúi nhìn bữa ăn một cách vô thần. Sau lời nói "ăn một chút đi" của cán bộ trại giam, Hiếu hít một hơi rất sâu, cố trấn tĩnh rồi đáp: “Tôi không ăn nổi. Cho tôi một ly cà phê đen”. Sau đó, tử tù này giơ đôi bàn tay bị còng bưng ly cà phê nhấp một ngụm. Khi được hỏi có nhắn gì về cho gia đình không, Hiều đáp trong hơi thở run rẩy: “Nhờ chuyển lời mong địa phương quê nhà giúp đỡ mẹ tôi, xin bố mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu này"...
Bát phở còn nguyên, tử tù không tài nào bật được lửa để hút thuốc
Trương Ngọc Điệp (SN 1981 trú tại đội 5, thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội) bị tuyên án tử hình về tội Giết người, Cướp tài sản.
Sáng 4/11/2005, Điệp phải thi hành án tại trường bắn Cầu Ngà (phía sau Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội).
Tờ Pháp luật & Xã hội viết, khi ký vào quyết định thi hành án tử hình của TAND TP Hà Nội, bàn tay Điệp run run đặt lên tờ giấy để viết tên mình lên đó... Khi được ra ngoài ăn bữa cuối cùng và viết thư về cho gia đình, bát phở bò để nguyên mà tử tù này không hề động đũa. Bàn tay Điệp lóng ngóng cầm bút để định viết những dòng trăng trối cho mọi người trong gia đình rồi người tử tù liên tục run lên từng chập, từng chập. Điệp lóng ngóng rút một điếu thuốc Vinataba nhưng rồi không tài nào bật lửa được. Một chiến sĩ cảnh sát đứng cạnh đó phải châm thuốc cho.
Một bát phở - bữa ăn cuối của tử tù. Bên cạnh là bao thuốc Vinataba, cốc trà nóng (Ảnh: Cảnh sát toàn cầu)
"Hai chiến sĩ bảo vệ dìu Điệp ra xe ô tô để tới trường bắn. Điệp rít nốt điếu thuốc rồi đứng dậy. Ngay lập tức, Điệp khuỵu xuống, hai chiến sĩ bảo vệ liền xốc nách hai bên đưa ra xe. Điệp bị cột chặt vào cọc tre bằng những sợi dây thừng chắc chắn, hai mắt bịt băng đen. Rồi đội xạ thủ gồm 6 người dàn hàng ngang phía trước, cách tử tù vài mét...", tờ Cảnh sát toàn cầu thuật lại khoảnh khắc cuối cùng của tử tù Trương Ngọc Điệp.
Từ tù chỉ ăn được một miếng
Đó là trường hợp của tử tù Phạm Văn Hội (SN 1987, quê Ninh Bình, tạm trú H. Đắc Đoa, Gia Lai).
Hội đã giết bạn thân của mình để cướp của rồi lôi xác nạn nhân ra giữa lô cao su, sau đó chất lá đổ xăng thiêu xác để phi tang. Ngoài ra, tử tù này từng nhận 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và đánh người gây thương tích.
Trước giớ thi hành án, Hội lập cập đứng lên với sự áp giải của 2 chiến sĩ cảnh sát, khuôn mặt tái nhợt. Theo sự hướng dẫn của cán bộ quản giáo, Hội lê từng bước nặng nề ra ngoài đến căn phòng đã chuẩn bị sẵn một bữa ăn cuối cùng. Nhưng rồi, tử tù này cũng chỉ ngồi nhìn trân trân vào bức tường trước mặt, cán bộ quản giáo phải động viên mấy lần Hội mới run run cầm đôi đũa lên nhưng cũng chỉ ăn một miếng lấy lệ rồi tiếp tục ngồi nhìn vào khoảng không vô định. Theo thông tin trên báo Công an Đà Nẵng.
Tử tù Nguyễn Toàn (SN 1971, P. Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) cũng đã không ăn nổi bữa cơm cuối cùng. Sau khi nhận án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc vào tháng 12/2013, tử tù Nguyễn Toàn đã được Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế lo mồ yên mả đẹp vì gia đình từ chối nhận xác. Vợ của tử tù phân trần lý do từ chối nhận xác chồng bởi hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi công bố đơn xin ân xá bị bác, tử tù sẽ được ban giám trại chuẩn bị cho bữa ăn ân huệ. Cùng đó họ sẽ được tạo điều kiện viết thư, nhắn tin cho người thân (qua máy ghi âm)... Bữa cơm ân huệ có thể là xôi gà, phở, bánh bao nhưng bao giờ cũng có thêm ấm trà cùng bao thuốc lá. Đây là bữa cơm thịnh soạn nhất từ lúc tử tù bị bắt giam. Bữa cơm ngon nhưng trong quá trình bị biệt giam, không tử tù nào dám đòi hỏi hoặc mong đợi đón nhận. (Theo Khoa học & Đời sống) |
Theo Yến Dương
Soha/ Trí thức trẻ