Thật khó để dành bất cứ lời ngợi khen nào cho những trường hợp thiếu gọn gàng, ngăn nắp, nhưng những chứng cứ khoa học cũng đã chỉ ra rằng, bừa bộn cũng có lợi ích riêng của nó, nhất là trong việc sáng tạo và tăng năng suất làm việc.
1. Bừa bộn một cách được sắp đặt
Thường thì khi ở trong một căn phòng bừa bộn với cả mớ giấy tờ, đồ đạc trên bàn, chúng ta hay thầm nghĩ “Đã đến lúc dọn dẹp rồi đây”. Ồ hay đấy, vì dọn dẹp là cách rất hay để xả stress và tăng cường hoóc môn hạnh phúc endorphins. Nhưng khoan, vấn đề là không biết cái kẹp ghim ở đâu nhỉ, tập tài liệu cần nộp để ở ngăn nào nhỉ, ví đã cất đâu rồi nhỉ,... Thế là lại mất thời gian cho việc tìm kiếm những thứ cần thiết đáng-lẽ-không-phải-tìm nếu cứ để lộn xộn như cũ. Vậy nên có khi không dọn làm việc còn năng suất hơn, phải không?
Bừa bộn một cách được sắp đặt cũng được coi là một nghệ thuật |
2. Mất thời gian cho việc quá gọn gàng
Một người có trí óc sáng tạo thường dành hầu hết thời gian để làm một việc duy nhất: Sáng tạo! Vì vậy có khi bạn chẳng còn thời gian để sắp xếp, dọn dẹp mọi thứ một cách gọn gàng. Tất nhiên ngăn nắp vẫn có rất nhiều lợi ích, nhưng chẳng phải không có mặt trái đâu nhé. Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Globe and Mail, đồng tác giả cuốn A Perfect Mess (Bừa bộn hoàn hảo), Eric Abrahamson chia sẻ “Vì mọi người nghĩ gọn gàng là tốt, nên thường dành rất nhiều thời gian cho việc dọn dẹp. Nếu bạn dành 20 giờ để ngăn nắp căn phòng, vậy 20 giờ ấy có mang lại hiệu quả hay sự sáng tạo nào cho công việc của bạn không? Nếu không, chỉ cần 5 giờ cho việc dọn dẹp thôi, còn lại thì hãy làm cuộc trao đổi nhỏ với thời gian để lấy lại năng suất công việc nhé!”
3. Hoàn toàn không phải lười đâu nhé!
Chẳng phải tất cả những người bừa bộn là người lười đâu. Họ chỉ đang sáng tạo chỗ để mọi thứ để dễ nhớ thôi mà. Ví dụ bạn đặt chiếc tai nghe trên chốc lò vi sóng và bạn luôn để như thế, thì hôm sau bạn vẫn nhớ tới nơi bạn đã đặt nó chứ không phải nơi mà nó nên được đặt. Không cần thiết phải cất chìa khóa trong rổ nếu bạn thấy túi quần là chỗ tiện và dễ nhớ nhất để nhét nó. Thế đấy, thực chất luôn có một sự sắp xếp nhất định trong cả mớ hỗn độn, thứ mà gắn rất chặt với trí nhớ của chúng ta trong sự liên kết các đồ vật với nhau. Abrahamson cũng nói chi tiết trong cuốn sách rằng: “Bề bộn không có nghĩa là không gọn gàng. Trên bàn làm việc, những công việc, tài liệu khẩn cấp hơn thường có xu hướng gần với chúng ta nhất, trong khi đó những thứ ít quan trọng thường bị vùi dần xuống dưới. Chúng theo thứ tự một cách rất kì lạ và hoàn hảo”.
Chúng ta có ý thức tự sắp đặt mọi thứ sao cho thuận tiện nhất, đó chưa được gọi là bừa bộn đâu nhé. |
Trong nghiên cứu của mình, nhà khoa học tâm lý Kathleen Vohs ở Đại học Michigan đã kết luận: “Những người sạch sẽ, ngăn nắp thường làm được nhiều việc tốt: không phạm tội, không xả rác ra môi trường, và thể hiện sự tử tế nhiều hơn. Tuy nhiên, những không gian bừa bộn cũng là yếu tố truyền cảm hứng đột phá những điều đã cũ để có những ý tưởng, quan điểm hoàn toàn khác lạ.Ngược lại, gọn gàng chỉ mang lại sự an toàn trong tư duy sáng tạo mà thôi.”
Bài viết không hề cố ý ngụy biện, nhưng là một lời bênh vực có cơ sở khoa học dành cho những người đang có xu hướng bừa bộn, lộn xộn. Dẫu sao căn phòng ngăn nắp với bàn làm việc gọn gàng cũng dễ gây cảm tình hơn, nhưng đôi khi lộn xộn một chút để lấy cảm hứng sáng tạo cũng tốt mà, phải không?
Ka Linh