Tin mới

Cá mái chèo dạt vào bờ biển VN là điềm báo thảm họa động đất?

Thứ sáu, 05/06/2015, 14:34 (GMT+7)

Liên tiếp trong tháng 5 có hai con cá lạ giống với loại cá mái chèo mà một số nước trên thế giới quan niệm rằng đây là loài cá dự báo động đất dạt vào bờ biển Việt Nam gây xôn xao dư luận...

Liên tiếp trong tháng 5 có hai con cá lạ giống với loại cá mái chèo mà một số nước trên thế giới quan niệm rằng đây là loài cá dự báo động đất dạt vào bờ biển Việt Nam gây xôn xao dư luận...

“Cá động đất” lại dạt vào bờ

Ngày 28/5, một nguồn tin tức từ UBND xã Hải Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) xác nhận chính quyền địa phương đã phối hợp với người dân làm lễ an táng, chôn cất cho một “cụ” cá phướn ông (cá mái chèo) đã chết theo phong tục của ngư dân địa phương ngay sau khi phát hiện vào tối 27/5.

Người dân đang chôn cất cá mái chèo.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 17h tối 27/5, nhiều ngư dân ở xã Hải Trạch đang lúc ra biển đi đánh cá đêm thì vô tình phát hiện xác một con cá phướn ông chết trôi trên mặt nước sát bờ biển. Sau đó họ đã đưa con cá lên bờ rồi trình báo cho chính quyền địa phương xử lý. Sau khi cân đo, cá phướn ông được xác định có chiều dài hơn 4 m, trọng lượng khoảng 50kg. Theo một số ngư dân có kinh nghiệm lâu năm ở địa phương cho biết, cá chết do mắc cạn chứ thân thể không chịu sự tác động nào.

Việc bờ biển Quảng Bình liên tiếp xuất hiện nhiều “cụ” cá chết trôi dạt vào bờ khiến nhiều ngư dân đồn thổi là điều không tốt, như năm nay Quảng Bình sẽ gặp nắng hạn, lụt lớn. Trước đó, vào sáng ngày 12/5, người đi tắm ở bãi biển thuộc xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã phát hiện một con cá mái chèo có chiều dài 4,1m và nặng 40kg trôi dạt vào bờ.

Sau khi nhận tin tức báo lại, chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng địa bàn đã đến hiện trường kiểm tra, và mai táng con cá theo phong tục địa phương. Cá mái chèo, hay còn gọi là cá phướn ông, một số nước trên thế giới quan niệm, đây là loài có khả năng dự báo động đất. Theo người dân địa phương, cá mái chèo là một trong những loài sinh vật linh thiêng. Nên mỗi khi phát hiện cá mái chèo, nếu còn sống thì ngư dân sẽ đưa trở lại biển, nếu chết sẽ làm lễ cúng tế và chôn cất cẩn thận để cầu mong Bình An, may mắn cho những chuyến ra khơi.

Về thông tin cá mái chèo chết, trôi dạt vào bờ biển là dự báo động đất, trao đổi với PV, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho rằng, điều này có thể đúng về mặt lý thuyết. Khi động đất xảy ra, áp lực trong các lớp đá có thể tạo ra điện tích tĩnh, khiến các ion tích điện được giải phóng trong nước.

Một con cá giống cá mái chèo được người dân phát hiện ở biển.

Cá mái chèo là loài cá có xương dài nhất thế giới (có thể dài tới 17m), thường sống ở tầng nước sâu. Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, loài cá sống ở đáy biển sâu thường nhạy cảm hơn với những tác động của chuyển động đứt gãy so với những loài cá sống ở gần bề mặt biển. Theo truyền thống của người Nhật Bản, nếu cá mái chèo xuất hiện nhiều thì rất có thể sẽ có một trận động đất xảy ra.

Tuy nhiên, giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho rằng, việc loài cá này dạt vào bờ biển Thanh Hóa và Quảng Bình thời gian gần đây chưa thể khẳng định chúng là điềm báo trước động đất.

Theo nhận định của nguyên Viện trưởng Viện Sinh vật học, cá trôi dạt bờ biển có thể do các yếu tố không liên quan đến động đất như hạ âm sinh ra từ hoạt động của tàu ngầm, đặc biệt là sự ô nhiễm môi trường nước. Vào tháng 6 năm ngoái, một thành viên của câu lạc bộ câu cá Hải Vân (TP. Đà Nẵng) câu được một con cá “khủng” dài 4,2 m, nặng 29,6 kg tại khu vực vịnh Chân Mây cũng được xem là cá mái chèo.

Theo National Geographic, tại Nhật Bản, cá mái chèo từ lâu được sử dụng làm hình ảnh minh họa trong văn hóa dân gian. Loài cá mái chèo mảnh hơn (Regalecus rus- selii) so với cá mái chèo khổng lồ được coi là một thông điệp được gửi đến từ cung điện từ thần biển. Theo niềm tin truyền thống của người Nhật Bản, nếu cá mái chèo xuất hiện nhiều thì rất có thể sẽ có một trận động đất xảy ra.

Theo Japan Times, có thể có một số cơ sở khoa học để tin vào điều này, thậm chí ngay cả khi các nhà khoa học không sử dụng hành vi của cá để dự đoán những cơn chấn động nhẹ. Kiyoshi Wadatsumi, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về động đất tại tổ chức phi chính phủ e- PISCO cho biết, loài cá sống ở đáy biển sâu thường nhạy cảm hơn với những tác động của chuyển động đứt gãy so với những loài cá sống ở gần bề mặt biển.

Liệu cá mái chèo có thể dự đoán được động đất

Tuy nhiên, giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho rằng, việc loài cá này dạt vào bờ biển Thanh Hóa và Quảng Bình thời gian gần đây chưa thể khẳng định chúng là điềm báo trước động đất. Theo nhận định của nguyên Viện trưởng Viện Sinh vật học, cá trôi dạt bờ biển có thể do các yếu tố không liên quan đến động đất như hạ âm sinh ra từ hoạt động của tàu ngầm, đặc biệt là sự ô nhiễm môi trường nước.

“Việc 2 con cá mái chèo trôi dạt vào bờ biển miền Trung gần đây, có thể do tác động của ô nhiễm môi trường. Vì môi truờng biển đang bị ô nhiễm bởi dầu tràn, kim loại nặng, các hoá chất độc hại khiến cá mái chèo thiếu oxy. Chúng buộc phải lên tầng cao hơn để tồn tại. Do không thích ứng với môi trường mặt biển, nên chúng có thể chết và trôi dạt vào bờ” - giáo sư Đặng Huy Huỳnh nhận định.

Không chỉ cá mái chèo, trong tháng 5, ba con cá voi chết dạt vào vùng biển Bình Thuận, Thanh Hóa. Sáng 11/5, người dân thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận phát hiện một xác cá voi khổng lồ trôi dạt vào khu vực bãi ngang thuộc khu phố 5, phường Mũi Né. Cá voi có chiều dài khoảng 6 m, vòm miệng rộng hơn 1 m, ước nặng khoảng gần 4 tấn.

Theo các ngư dân, đây là loại cá Ông Thông vì có mắt lồi, trên lưng có ba chóp hình trái khế và trên toàn thân da đều có kẻ ô, chấm bi rất đẹp mắt. Cá Ông Thông này thường giúp đỡ, che chở thuyền bè của ngư dân khi gặp nạn hoặc gặp sóng to gió lớn nên được ngư dân rất tôn kính thường chôn cất và thờ trong dinh, vạn. Sáng 7/5, người dân xã Quảng Hùng (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) phát hiện cá voi xanh đã chết, dạt vào bờ biển. Cá voi dài khoảng 4 m, nặng 6 tạ. Người dân dùng phương tiện kéo cá voi lên bờ, lấy đá lạnh ướp xác và đã chôn cất cá voi theo phong tục truyền thống của ngư dân vùng biển.

Trưa ngày 2/5, người dân thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) phát hiện xác con cá voi đã chết nhiều ngày trôi dạt vào bãi biển Đồi Dương. Cá voi có chiều dài khoảng 8 m, vòm miệng rộng hơn 1 m, nặng gần 2 tấn. Người dân cùng chính quyền địa phương cũng tiến hành chôn cất theo tục lệ.

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho rằng, hiện tượng cá voi dạt vào các vùng biển nông và mắc cạn như trên không hề hiếm gặp trên thế giới. Khi mắc kẹt, chúng nhanh chóng mất sức và chết nếu không được giải cứu kịp thời.

Lý giải về hiện tượng này, ông cho biết, sự thay đổi đưa các dòng nước giàu dinh dưỡng gần bờ với nguồn thức ăn phong phú, thu hút cá voi đến gần. Cũng không loại trừ khả năng những trận bão biển bắt nguồn từ sự thay đổi của gió làm cá voi mất phương hướng và dạt vào bờ.

Hân Nguyên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news