Tin mới

"Các mẹ ơi, em chỉ lấy chồng Tây thôi"

Thứ hai, 29/09/2014, 16:09 (GMT+7)

Ôi lại đề tài muôn thuở: Trai Việt, trai Tây (chú thích Tây ở đây đúng là... Tây, không phải Tây Trung Quốc, Tây Đài Loan, Tây Hàn hay Tây Hồng Kông các mẹ nhé).

Ôi lại đề tài muôn thuở: Trai Việt, trai Tây (chú thích Tây ở đây đúng là... Tây, không phải Tây Trung Quốc, Tây Đài Loan, Tây Hàn hay Tây Hồng Kông các mẹ nhé).

Em thì em nghĩ thế này: nồi nào vung nấy.

Nên em xin bàn về những cái nồi trước.

Nồi, cũng như vung, có nồi Việt và nồi Tây. Nồi Tây, nghe đồn là tiền bạc phân minh ái tình dứt khoát khác hẳn nồi Việt. Yêu là xách gói đến ở chung, đang có chồng mà vấn vương anh khác đến mức muốn ra đi thì cũng khai báo với chồng rồi chia tay. Tiền bạc sòng phẳng: tình phí chia đôi, chi tiêu trong gia đình ai cũng phải đóng góp, rạch ròi minh bạch.

Nồi Việt thì có truyền thống là những tấm gương hy sinh mãnh liệt. Thậm chí đến tận bây giờ vẫn có rất nhiều người chồng tự hào vì có người vợ (trước đó là mẹ) đã hy sinh cả cuộc đời cho chồng, cho con. Không ít phụ nữ Việt cũng lấy đó để phấn đấu và tự hào. Dường như nếu không có sự hy sinh thì nồi Việt cũng chẳng còn phẩm chất nào đáng giá nữa.

Nồi Việt khi yêu thường mặc định đàn ông là người chi trả. Khi lấy chồng, thường hy vọng được chồng nuôi cả đời. Cô nào toại nguyện thì bản thân, gia đình lẫn xã hội xuýt xoa khen là diễm phúc.

Cho nên nồi Việt thuần chất lỡ mà tùng bách đứt gánh giữa đường sẽ khóc than thê thảm. Nội dung chủ yếu là "Anh ơi anh đi rồi từ đây mẹ con em biết dựa vào ai?".

Nồi nào cũng có giá trị của nó. Bạn chọn nồi nào thì bạn là cái vung thế ấy.

Khá nhiều vung Việt hiện có một câu thần chú: vợ phải đủ 3 Ng: Ngu-ngon-ngoan. Đàn ông Việt nhiều phần vẫn nặng máu gia trưởng, không thích vợ thông minh nổi trội hơn mình. Cần ngu ngu, ngoan ngoan để không cãi chồng. Thói xấu phổ biến nhất mà các vung (và mẹ của các vung) hay chê bai với nhau là: Vợ gì mà cãi chồng nhem nhẻm!

"Cãi" chồng - dù là tranh luận, thảo luận - được nhiều cái vung Việt mặc định không thể chấp nhận được ở những cái nồi. Nhưng vấn đề là các anh ấy lại say mê điểm này ở những phụ nữ khác: ôi cô ấy cá tính thông minh sống động làm sao, gặp cô ấy trí óc mình sáng hẳn ra, có đâu như con mẹ mướp ở nhà nói được ba câu hết chuyện. Vấn đề lại là các anh "cho phép" em có thể cứ thông minh cá tính khi yêu, nhưng khi thành nồi thì cứ phải tròn ung ủng cho trẫm. Thế mới chết!

Và do có nhiều cái vung chỉ muốn có một cái nồi làm người coi nhà và đẻ con, nên tất yếu có những cái nồi chỉ coi cái vung là cây ATM bằng thịt. Đây cũng là một câu chuyện con gà và quả trứng hiện đại, điên cả đầu không biết cái nào có trước.

Leslie, top 3 Master Chef Mỹ mùa thứ năm, một ông nội trợ suốt 22 năm, chăm sóc 7 đứa con cho vợ đi làm nuôi toàn bộ gia đình, chắc chắn.

Giờ đến vung Tây.

So với phần lớn vung Việt, vung Tây có thêm hai điểm cộng: sự "nịnh đầm" từ trong máu + chia sẻ việc nhà với vợ và ngoại hình cao lớn, điển trai (tiềm năng có những đứa con lai xinh đẹp). Điểm thứ nhất đặc biệt được các phụ nữ Việt trân trọng vì phần lớn họ đã quá ngán với sự gia trưởng ngốc nghếch từ những ông chồng "em chã" luôn muốn vợ hầu hạ từ sợi tóc đến đôi giày. Điểm cộng khách quan thứ ba là nền tảng kinh tế vững chắc hơn (do điều kiện sống cao hơn ở các nước phát triển), góp phần rất quan trọng để duy trì một đời sống nhẹ nhõm, có thời gian và tâm trí để mà còn yêu nhau.

Vung Tây, giống nồi Tây, cũng thường minh bạch rạch ròi cả về tiền bạc lẫn tình cảm. Do vậy, khi yếu thế, vung Việt thường dọa những cái nồi đang muốn vượt đại dương bằng cách lấy sự chung thủy ra dọa dẫm. Tuy nhiên, khó có thể nói ai hơn ai trong chuyện này, vì nếu cứ căn cứ vào những câu chuyện trà dư tửu hậu thì tỷ lệ đàn ông Việt Ngoại tình chắc phải đến... 99%. Thậm chí các anh còn có hẳn slogan riêng: "Chung thủy với cơm, sắt son với phở, úp mở với bún riêu"!

Ấy thế nhưng nhận xét về trai Việt, trước hết phải trách hầu hết phụ nữ Việt. Họ đã giáo dục con trai của mình như thế nào để-trong cái thế giới đã khá phẳng này-chúng lại bị so sánh không dứt và luôn trong thế yếu với con trai của những người phụ nữ khác?

Tôi cho đây mới chính là nguyên nhân cốt lõi nhưng hầu như chưa được nhìn nhận đúng mức. Giáo dục và tự giáo dục đúng cách thì một cái vung (và nồi) Lào hoàn toàn có thể có chất lượng Ý.

Kẻo anh bạn Tôn Tích Thuận đang sinh sống ở Ba Lan của tôi nghe tranh cãi mãi phải hoang mang than rằng: "Khổ nhất là bọn Việt kiều/Đã là trai Việt lại nhiều tính Tây"!

Cuối cùng, ai cũng biết con người là sản phẩm của xã hội cả. Mà xã hội thì không bao giờ ngừng thay đổi. Nồi và vung, tất nhiên, cũng vậy.

Theo Hoàng Xuân/ Vietnamnet

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news