Tin mới

Các trường đại học "nở rộ" ngành học mới trong năm Quý Mão 2023

Chủ nhật, 22/01/2023, 21:29 (GMT+7)

Đến hiện tại, cả nước đã có nhiều trường đại học công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023.

Nhiều trường thêm ngành học mới

Dự kiến trong kỳ tuyển sinh 2023, Trường đại học Thủy lợi sẽ tuyển sinh 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022. Đáng chú ý, năm nay, trường đang xây dựng đề án mở thêm 2 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung.

Năm nay, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến sẽ tuyển sinh ngành mới thành lập là Y dược cổ truyền, trước mắt là đào tạo bác sĩ y dược cổ truyền, chính thức nâng số lượng khoa thuộc trường lên 8.

Cũng trong năm 2023, Trường đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.100 chỉ tiêu, tăng 50 thí sinh so với năm 2022. Trường mở 2 ngành mới Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế.

Tương tự, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.

Trường đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh thông báo năm 2023 sẽ tuyển sinh 7.650 chỉ tiêu cho 51 chương trình đào tạo; trong đó, nhà trường mở mới 5 chương trình gắn liền với kỷ nguyên số bao gồm Công nghệ tài chính (Fintech); Marketing công nghệ (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI); Kỹ sư Công nghệ Logistic (Logtech). Nhà trường cũng cho ra mắt chương trình song ngành/song bằng tích hợp mới là cử nhân Kinh tế chính trị - cử nhân Luật và quản trị địa phương. Cụ thể ở phân hiệu Vĩnh Long, Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh bổ sung 2 chương trình đào tạo mới thuộc lĩnh vực công nghệ là Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI).

Hội đồng đại học Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành ở bậc đại học như thí điểm ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường đại học Công nghệ thông tin); ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, thí điểm mở ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường đại học Khoa học tự nhiên); ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ngành Thú y (Trường đại học An Giang); giao nhiệm vụ cho Khoa Y triển khai đào tạo ngành Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng.

Trường đại học Công nghiệp thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh đang đào tạo 34 ngành bậc đại học. Năm 2023, trường này dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển học bạ THPT, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh, xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công nghiệp thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh, trường dự kiến mở thêm 5 ngành đào tạo bậc đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Luật, Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Trường đại học An Giang công bố quyết định mở và xét tuyển sinh ngành đào tạo trình độ đại học hình thức đào tạo chính quy mới - ngành Thú y. Việc mở ngành này nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tay nghề thành thạo, có sức khoẻ tốt, yêu nghề nghiệp; có khả năng tiếp tục học tập, tham gia học tập ở các bậc học cao hơn trong và ngoài nước.

Trường đại học Phan Thiết dự kiến mở thêm các chuyên ngành là Dược, Điều dưỡng, Chẩn đoán hình ảnh, Kiến trúc, Kỹ thuật điện.

Nhiều trường đại học công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023. Ảnh minh họa.
Nhiều trường đại học công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023. Ảnh minh họa.

"Nở rộ" ngành học mới, liệu có khó khăn?

Theo TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc mở các ngành nghề mới là điều tốt nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của các nhà trường. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự lo ngại việc các trường mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức đào tạo, dẫn tới nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

"Các trường khi muốn mở ngành mới mà trước đây chưa có cần xuất phát từ nhu cầu thực tế và phải thực hiện theo quy trình, cần có sự tính toán, khảo sát, điều tra nhất định về cơ hội việc làm cũng như xu thế, khảo sát các doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng lao động để biết nhu cầu lao động… Từ đó, chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, phát triển các chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực", TS. Lê Viết Khuyến cho hay.

Đặc biệt đối với các thí sinh, các chuyên gia chia sẻ, thí sinh cần có sự cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề, tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường.

Thông tin trên báo Đại Đoàn Kết, nhiều năm trở lại đây các trường đại học hướng tới đào tạo đa ngành. Với xu hướng phát triển đó, nhiều trường không ngừng mở mới ngành nghề đào tạo. Đa phần các ngành mới mở được đánh giá là ngành “hot” trong các mùa tuyển sinh. Xu hướng này cho thấy rõ trong mùa tuyển sinh 2021, trong đó có trường tuyển trên 10 ngành và chuyên ngành mới.

Như vậy, nếu đảm bảo điều kiện chất lượng, xu thế mở ngành học mới là tín hiệu tốt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Nhưng thực tế, không phải ngành mới nào mở ra cũng bảo đảm chất lượng.

Trong số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT trong năm 2022 cho thấy, 4/23 ngành, lĩnh vực có tỉ lệ thí sinh nhập học thấp nhất: Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội.

Trước kỳ tuyển sinh, Bộ GD&ĐT lưu ý các trường cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của thí sinh và thị trường lao động trước khi mở ngành học. Nhiều trường nếu không nhận biết kịp xu hướng này và điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành đào tạo thì không thu hút được thí sinh vào trường. Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news