Dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân, các đôi nam nữ H’Mông sẽ tìm về nơi lễ hội để chơi những trò chơi dân gian.
Ở nơi đó, họ sẽ có cơ hội tìm bạn đời bằng những lời tỏ tình ý nhị đặc biệt. Đối với họ, tục vỗ mông là một trong những lời tỏ tình mộc mạc như sương núi, cây rừng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về tình yêu đôi lứa, đẹp như cánh hoa lê nở trắng trên triền núi.
Lời tỏ tình mộc mạc như sương núi
Sau gần một năm không liên lạc, tôi gặp lại ông Giàng A Pua, nguyên Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) trong một lần ông xuống Hà Nội. Sau những câu chuyện về chiếc Khèn của người Mông ở trạm Tấu, khi được hỏi về tục đẹp ngày xuân của người dân tộc này, ông đã kể với chúng tôi về cách tỏ tình độc đáo, chính là tục... vỗ mông chọn bạn đời.
Theo lời ông Giàng A Pua, vỗ mông chọn bạn đời là một phong tục đã có từ xa xưa của đồng bào dân tộc H’Mông ở nẻo cao, thường diễn ra vào những ngày đầu xuân năm mới. Cũng như những đồng bào vùng cao khác trên triền núi đá, đồng bào H’Mông ở Trạm Tấu đón chào năm mới bằng một không khí rộn rã khác thường. Ngay từ sáng sớm, mọi ngả đường dẫn về trung tâm các xã đều ngập tràn sắc màu váy áo, rực rỡ dưới ánh nắng xuân ấm áp. Các chàng trai, cô gái, không ai hẹn ai, nô nức tìm đến những bãi đất trống, những khoảng không rộng dưới chân núi để vui chơi tâm tình. Các chàng trai H’Mông mạnh mẽ trong trang phục truyền thống và thể hiện bản lĩnh của mình qua các trò chơi, những thiếu nữ miền sơn cước thướt tha trong tà áo mới, e lệ trong những câu hát giao duyên, tình tứ... Các hội giao duyên thường diễn ra vào những ngày đầu xuân năm mới, thường từ ngày mồng 2 đến mồng 5 tháng Giêng.
Chợ vừa là nơi giao thương, vừa là nơi giao duyên của người H’Mông khắp các vùng cao Tây Bắc (ảnh Đức Hiếu). |
Dưới ánh nắng vàng ấm áp của ngày xuân, các chàng trai cô gái người H’Mông vừa chơi vừa tặng cho nhau những lời chúc may mắn, mời nhau những chén rượu ngô ấm nồng và đưa mắt tìm kiếm đối tượng cho riêng mình. Người con trai sẽ dùng ánh mắt của mình để “phát tín hiệu”. Nếu ưng thuận, cô gái sẽ đưa mắt liếc lại. Cả hai sẽ cùng “tán nhau” qua ánh mắt suốt cả buổi chơi. Khi men rượu đã say, men tình đã ngấm, sơn nữ rời khỏi đám bạn đi ra một chỗ vắng và liếc mắt nhìn người đàn ông mà mình đã ưng như mời gọi. Chỉ chờ có thế, chàng trai sẽ tìm cách tiếp cận, vỗ nhẹ vào mông cô gái và trao những lời tình tứ, yêu thương “cu nhỉa co” (tao thích mày), nếu sơn nữ ưng thuận, cô sẽ vỗ lại vào mông chàng trai ấy rồi thẹn thùng đáp lời đường mật...
Lối tỏ tình ấy được xem như một thông điệp rằng họ đã ưng bụng nhau, khi cô gái và chàng trai về nhà, họ sẽ không ngừng nhớ đến nhau, nhớ về mối tình gặp mặt trên chợ, và đợi tới phiên chợ tới, tìm nhau để trao gửi yêu thương. Khi đủ 9 lần vỗ mông, tức là hai bên đã chấp thuận nhau, chờ đợi người làm mai mối để thành vợ, thành chồng.
Tập tục đang dần bị mai một
Theo ông Giàng A Pua, thực ra các đôi nam nữ nên duyên không phải do vô tình tìm được nhau mà thường họ đã có sự tìm hiểu từ trước. Tham gia trò vỗ mông ngày xuân chỉ là cơ hội để gặp lại nhau, chàng trai có dịp thể hiện tình cảm của mình với người con gái mà họ muốn gắn bó cuộc đời trước sự chứng kiến của mọi người. Vì thế, vỗ mông chọn bạn đời không những là một cách tỏ tình độc đáo, lãng mạn mà còn là một tập tục truyền thống mang ý nghĩa văn hóa. Không phân biệt tuổi tác, cả những người lớn tuổi chưa xây dựng gia đình đều có thể tham gia vào tục vỗ mông chọn bạn đời, một tập tục kỳ lạ chỉ có ở dân tộc Mông, nhưng sâu xa trong phong tục ấy ẩn chứa cái tình nồng hậu của những con người nơi núi đồi hoang sơ.
Theo lý giải của ông Pua, việc vỗ vào mông để chọn bạn đời cũng liên quan đến chuẩn đẹp của người H’Mông, một tiêu chuẩn khác với người Kinh. Chuẩn người Mông chọn phụ nữ là dáng to khỏe, bắp chân săn vồng lên trong cạp bít tất, đôi mông to mấy vồng nhún nhảy lên trong váy áo mỗi bước đi. Với những chàng trai H’Mông, những cô gái đó vừa chăm chỉ vừa biết làm nương, xe sợi, vừa mắn đẻ lại khéo nuôi con. Những cô gái H’Mông nào bước vào tuổi trăng tròn mà có hình thể như vậy rất “đắt” chồng và mỗi lần đi chơi sẽ là trung tâm sự chú ý của những chàng trai.
Cũng theo ông Pua, tuổi trẻ của ông cũng gắn liền với tục vỗ mông nhưng hiện giờ, người ta chỉ biết đến tục này của người H’Mông ở Hà Giang, còn ở Yên Bái phong tục này hầu như bị mai một. Câu chuyện vỗ mông chọn bạn đời chỉ còn lại trong ký ức.
Ông Giàng A Pua, nguyên Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, người nghiên cứu tập tục của người H’Mông. |
Trong những ngày công tác cuối năm, chúng tôi đã được chứng kiến đám cưới của vợ chồng son Giàng A Già (SN 1984, cán bộ văn hóa huyện Trạm Tấu) và Mùa Thị Dê (SN 1993, cô giáo mầm non). sau những lời chúc hạnh phúc, những chén rượu ngô nồng đượm hương vị của vùng cao, họ kể với chúng tôi về tình yêu mộc mạc của mình được kết tinh từ sương núi. Khi được hỏi về tục trên của người H’Mông, anh Già cười và nói, anh chỉ được nghe kể tuc vỗ mông từ những người già của bản. Bây giờ ở Trạm Tấu, nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau, ưng thuận dựa trên tình yêu đôi lứa chứ không còn vỗ mông để chọn bạn đời nữa dù chuyện tình của họ đẹp như cánh hoa lê nở trắng trên triền núi.
Kho tàng văn hóa độc đáo của người H’Mông ở Yên Bái Người Mông có kho tàng nghệ thuật dân gian rất phong phú. vào mùa xuân, các dịp Tết của người Mông (khoảng từ 30/11 âm lịch) hay trong các lễ cưới truyền thống, người Mông đều hát dân ca và múa khèn. Trong các làn điệu dân ca, đặc biệt nhất là loại hát kể chuyện lịch sử dân tộc gọi là hát Thản chù. Người H’Mông có hát Gầu Phềnh - trai gái hát trong khi chơi Pa Pao, hát qua sợi chỉ nối với hai ống nứa bịt da ếch cho riêng hai người và hát đố, hát giải trong đám cưới. Cùng với hát, người H’Mông còn có múa khèn rất đặc sắc. Trong hội Gầu Tào, múa khèn là nghi lễ mở hội. Ngoài khèn bè, người H’Mông còn sử dụng đàn môi, khèn lá, kéo nhị, thổi sáo… |
Trần Phương/Đời sống pháp luật