Để thực hiện công việc vệ sinh nội thất ôtô một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất, cũng cần một số lưu ý cụ thể trước và trong quá trình dọn dẹp.
Để công việc vệ sinh khử mùi cho nội thất xe được diễn ra nhanh gọn, cần phải dọn hết những chất thải hay rác còn vương lại trong xe và cần biết những vị trí nào được phép dùng chất tẩy rửa khi thực hiện lau chùi để tránh làm hư hại. Đừng quên dọn dẹp khu vực cốp xe đằng sau bởi vị trí này thường được thiết kế thông với nội thất ở các dòng crossover, SUV...
Sử dụng dung dịch vệ sinh đúng cách và đúng chủng loại phù hợp với từng chất. |
Chỉ với chiếc khăn sạch, mềm và các loại tẩy rửa chuyên dụng cho từng chất liệu trên xe như da, nỉ, gỗ, cửa kính là có thể tiến hành lau chùi nội thất. Với các chi tiết dễ xước hay có độ bóng cao cần chú ý thực hiện một cách nhẹ nhàng và không nên sử dụng những đồ vật sắc nhọn hay thô ráp để lau chùi. Cần lưu ý trước khi hút bụi nên dùng loại chổi mềm quét qua thảm ôtô để bụi bẩn bám lâu ngày và ở các ngóc ngách kể cả khe gió điều hòa dễ hút bụi và sạch hơn.
Hút bụi mọi vị trí trên xe bao gồm thảm và ghế. |
Sau hút bụi sẽ tiếp tục thực hiện vệ sinh thảm xe và ghế ngồi. Cần sử dụng đúng những chất tẩy rửa thích hợp cho từng loại chất liệu để đảm bảo không làm hư hại các bề mặt đó. Lưu ý không dùng quá nhiều nước khi lau dọn để nội thất xe có thể khô nhanh hơn. Cuối cùng nên dùng một chiếc khăn khô hoặc máy hút ẩm hút nước khỏi ghế ngồi và thảm. Nếu nước được hút ra không bị cặn và bẩn đục chứng tỏ ghế ngồi và thảm đã sạch. Một chú ý khác là không nên lau dọn thảm xe và ghế ngồi vào những ngày thời tiết có độ ẩm cao hoặc đang có mưa.
Ngay sau khi đã lau dọn kỹ lưỡng nhiều lần, cần mở toàn bộ các cửa xe kể cả nắp ca pô và nắp cốp để không khí được tràn vào, giúp lưu thông khí trong xe. Sau khoảng 20 phút đóng tất cả cửa để kiểm tra xem còn mùi lạ khó chịu nữa không.
Sử dụng khăn mềm cho các chi tiết bóng hay dễ bị xước. |
Sau đây là một số xử lý các mùi “đặc thù”:
– Mùi do vi khuẩn: Mùi này thường bắt nguồn từ thức ăn nhanh hay rau quả để quên trên xe. Chỉ cần nước diệt khuẩn chuyên dụng là có thể xử lý ngay mùi hôi khó chịu sau khi đã dọn sạch những thực phẩm rơi vãi trong xe.
– Mùi thuốc lá: Mùi này thường từ những người có thói quen hút thuốc nên bị khói thuốc ám vào quần áo và đồ nội thất, đặc biệt là da và nỉ. Cách xử lý rất đơn giản, chỉ cần đặt từ 1-2 bát dấm trắng trên xe, để khoảng 1-3 tiếng đồng hồ tùy thuộc vào nồng độ mùi thuốc trong xe. Dấm sẽ hút hết mùi hôi và sau đó chỉ cần sử dụng một chiếc khăn sạch đủ ẩm để lau lại các bộ phận nội thất trong xe.Ngoài ra cũng có thể dùng thuốc tẩy (baking soda) để thay thế cho dấm.
– Mùi nấm mốc: Nguyên nhân của mùi khó chịu này xuất phát từ việc có thể khe hở nào đó hoặc bắt nguồn từ thức ăn thừa rơi vãi hay từ nước của các túi thực phẩm đông lạnh được mang lên xe. Lời khuyên trong trường hợp này là hãy sử dụng thuốc sát trùng hoặc cồn để cọ các nấm mốc và sau đó thì sấy khô lại.
– Mùi nôn mửa: Đây là mùi kinh khủng nhất cũng như khó tránh nhất nếu trên xe có người bị say xe mà không có túi nôn hay túi nilon dự phòng. Để khắc phục, cần nhanh chóng thu dọn bãi nôn và dùng khăn sạch, giấy ướt lau nhiều lần. Sau đó, sử dụng thuốc sát trùng hay thuốc xịt khử mùi để tống khứ hoàn toàn vi khuẩn và mùi hôi. Cần lưu tâm nếu không xử lý ngay và triệt để mùi khó chịu này thì chiếc xe sẽ dễ dàng bị nấm mốc, vi khuẩn phát triển rất nhanh và nhanh chóng bị mùi trở lại.
Ngoài ra việc sử dụng các loại tinh dầu như chanh, bưởi, oải hương và sả sẽ giúp nội thất thơm mát hơn. Đồng thời nó còn giúp khử mùi hôi của ôtô, giúp người ngồi bên trong xe cảm thấy thư giãn, giảm căng thẳng mệt mỏi, chống buồn ngủ và say xe.
Trang Vũ (Tổng hợp)