Cha mẹ nào cũng mong con học giỏi, được điểm cao nhưng khi con được điểm kém cha mẹ cũng không nên nổi giận mà hãy nhẹ nhàng động viên, chia sẻ với con để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.
Trước hết, cha mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân gây điểm kém. Cha mẹ có thể nhẹ nhàng hỏi con nguyên nhân vì sao bị điểm kém; Gọi điện cho thầy co để biết rõ hơn tình hình học tập của con; Xem tình trạng sức khỏe, khả năng tập chung của con trong quá trình học tập.
Khi con bị điểm kém cha mẹ không nên nổi giận mà hãy nhẹ nhàng động viên, chia sẻ với con để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Ảnh: Internet |
Theo Th.S Xã hội học Phạm Thị Thanh Thúy – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM cho rằng: Khi trẻ bị điểm xấu, phụ huynh tức giận mà đánh đập con dù vì lý do gì cũng rất có hại cho sự phát triển của trẻ, kể cả về thể chất và tinh thần. Đánh con không những làm con bị tổn thương trên cơ thể, mà còn để lại những vết thương lòng. Vết thương trên da thịt có thể sẽ lành nhưng vết thương lòng thì nặng nề hơn rất nhiều. Trẻ có thể trở thành người hung hãn, giải quyết mọi việc bằng bạo lực hoặc trở nên cô độc, co rút, tự ti, mặc cảm. Đánh con vì điểm xấu còn khiến con sợ học, ghét học, thù ghét bài vở, thầy cô, thù ghét chính cha mẹ. Đánh, mắng, la… khi con học kém là cách nhanh nhất khiến con mất tập trung vào bài, càng học càng không vào, cành đánh chửi, càng học dốt là vậy.
Còn Th.S Trần Thị Ái Liên – Công ty TNHH Bạn của Bé cho rằng: khi con bị điểm xấu, phụ huynh không nên trách con, bởi lúc này con còn dưới 18 tuổi, chưa phát triển. Chỉ mới là ở dạng tiềm năng chưa có khả năng. Phụ huynh nên đánh giá con theo sự cố gắng, chứ không phải kết quả. Quan trọng khả năng của con thế nào, nếu khả năng kém mà không làm được thì dẫn đến con chán nản và sẽ bỏ cuộc hoặc là phải dùng mọi thủ đoạn để có 10 điểm. ThS Liên khuyên: Mỗi ngày con ngồi vào bàn học đúng giờ, đúng thời lượng là tốt rồi. Đừng đòi hỏi điểm cao hay thấp, nên dạy cho con biết phải cố gắng chứ không học vì kết quả. Dạy con biết hạnh phúc trong việc làm chứ không phải kết quả.
“Hạnh phúc, thành công là đường đi chứ không phải là điểm đến”, mỗi ngày có sự vui thú làm bài là tốt rồi, là điều đáng khen. Không nên là điều duy nhất, không nên là thước đo của sự học hành, thước đo của học hành là ý thức chứ không phải điểm số, bởi điểm số cũng chỉ là chủ quan của thầy cô. Hãy dạy con mình học vì kiến thức, vì thích thú và mở rộng tư duy qua học hành, chứ không phải kết quả. Khi con bị điểm số xấu không sao, quan trọng là con có tiến bộ hay không, có thích thú việc học hay không. Phụ huynh phải rõ ràng trong tư duy, không nên làm lớn chuyện, điểm tốt cũng không nên khen con quá, điểm thấp không nên chê mà nên khuyến khích. Nói với con “sông có khúc, người có lúc” không phải ai bao giờ cũng thất bại, điều quan trọng nhất là khi thất bại phải biết đứng lên, và phải biết rút ra kinh nghiệm khi bị điểm xấu cho lần sau để phấn đấu tốt hơn. Chẳng có đứa trẻ nào thích điểm số, nếu cha mẹ la rầy đánh đập chỉ làm khổ con, cha mẹ hãy là chỗ dựa tinh thần cho con trong những trường hợp con bị thất bại để giúp con đứng lên sau đó.
Khi con bị điểm kém hãy nhìn nhận chính xác cố gắng của con, cố vũ con cố gắng để lần sau đạt kết quả tốt hơn.
Bản thân con khi bị điểm kém đã gặp áp lực nhất định, cha mẹ hãy luôn là người bạn chia sẻ và đồng hành để con tin tưởng. Cùng đồng hành với con để tìm ra những biện pháp cải thiện trong học tập và điểm số. Mang tự tin và sự cố gắng cho con thông qua sự khích lệ. Thay vì mắng mỏ con cái “không được tích sự gì?”, “chỉ mỗi học mà cũng không xong…”, “con nhà người ta “.
Lê Vy (tổng hợp)