Tin mới

Cái Tết của nạn nhân thoát khỏi "tử thần" trong vụ sập giàn giáo

Thứ năm, 04/02/2016, 15:20 (GMT+7)

Xảy ra tai nạn bất ngờ khiến các nạn nhân đều chấn thương, phải nhập viện chữa trị. Dù vậy, được sống sót, đoàn tụ với gia đình trong thời gian chuyển giao sang năm 2016 đối với họ đã là điều may mắn.

Xảy ra tai nạn bất ngờ khiến các nạn nhân đều chấn thương, phải nhập viện chữa trị. Dù vậy, được sống sót, đoàn tụ với gia đình trong thời gian chuyển giao sang năm 2016 đối với họ đã là điều may mắn.

“Tạ ơn trời đất vì đã thoát chết trở về”

Trở về gia đình anh Hà Văn Kiên (SN 1995) trú ở xóm 6, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An), vào một chiều cận Tết, khi các ngôi nhà đã bắt đầu nổi lửa nấu bánh chưng đón chào năm Bính Thân. Thế nhưng, gia đình anh vẫn chưa sắm sửa được gì vì anh mới đi bán hương dạo trở về.

“Vì khó khăn nên mới sang Hà Tĩnh để làm việc, nhưng mới làm được chưa đầy tháng thì chuyện bất ngờ xảy ra. Sau đó, chúng tôi có bàn với nhau trở về làm quanh quẩn trong xã chứ đi công nhân xây dựng thế này nguy hiểm quá, có ngày mất mạng cũng không biết”, chị Lê Thị Thảo (SN 1995, vợ anh Kiên) cho biết, chị đang mang bầu đứa con đầu tiên nên không muốn con mình ra đời mà không có cha.

Chị Thảo cứ ngỡ sẽ không bao giờ gặp chồng sau khi chứng kiến vụ sập giàn giáo

“Ngày hôm đó, tôi sang chơi với chồng được 2 ngày. Anh đang làm việc ở trên giàn giáo, còn tôi thì đứng ở nhà dân cách đó không xa nên chứng kiến hết toàn bộ sự việc. Nghe thấy tiếng hét nên tôi quay lại nhìn thì thấy toàn bộ chân trụ của cây xăng đang thi công bỗng dưng đổ sụp xuống. Tôi hoảng hồn chạy nhanh đến hiện trường tìm kiếm chồng, với hi vọng chồng tôi không sao”, chị Thảo kinh hoàng nhớ lại.

Là nạn nhân thoát chết trong gang tấc, anh Kiên kể lại: “Tôi đang đứng ở giàn giáo thì thấy rung lắc dữ dội, sau đó nghe tiếng hét thất thanh của mọi người “sập! sập” nên tôi nhảy nhanh xuống đất. Khi rơi xuống, chân tôi mắc kẹt trong những thanh thép nên không thoát ra ngoài được”.

Tuy nhiên, anh Kiên cho biết mình vẫn may mắn bởi lúc xảy ra sự việc thì đứng ở chỗ chưa đổ bê tông, khi rơi xuống thì ở phía ngoài nên nhanh chóng được lực lượng cứu hộ kéo ra khỏi hiện trường và đưa đi bệnh viện cấp cứu.

   Cái Tết của nạn nhân thoát khỏi ‘tử thần’ trong vụ sập giàn giáo - Ảnh 2

Vụ sập giàn giáo đã khiến 2 người tử vong, 6 người nhập viện cấp cứu

Cũng là một trong những nạn nhân may mắn sống sót, anh Lê Văn Mạnh (SN 1993) trú ở xóm 5, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết Tết này được ở nhà, được gặp lại mọi người đã là điều hạnh phúc nhất rồi. Thậm chí anh còn không nghĩ mình được sống sót đến bây giờ khi cả hệ thống giàn giáo đổ sập lên người như vậy.

Theo lời anh Mạnh, vào chiều 9/12/2015, có 14 công nhân thi công phía trên mái bằng, 17 người thi công ở dưới. Bỗng giàn mái đang đổ bê tông nhiên sụt nghiêng về hướng tây rồi trong tích tắc đổ sập hoàn toàn mà không một ai hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Tất cả công nhân đứng trong công trình đều bị bê tông, thép, gỗ đè lên người, nhiều người mắc kẹt.

Cái Tết nghèo của những nạn nhân thoát chết

Được trở về gặp người thân là điều may mắn, nhưng giờ đây cuộc sống khắc nghiệt đang bủa vây khi những nạn nhân đó khi họ không có công việc ổn định. Vì khó khăn nên mới chấp nhận làm công nhân xây dựng, trở về nhà là trở về với cuộc sống trước đây.

“Về nhà tôi không biết làm gì để nuôi sống gia đình khi vợ tôi đang mang bầu người con đầu tiên. Không có đất sản xuất, tôi phải đi bán hương, mỗi ngày lang thang khắp nơi nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao”, anh Kiên lắc đầu cho biết.

Theo anh Kiên, trong vụ sập giàn giáo có 4 người ở Nghệ An, sau khi thoát nạn về nhà thì tất cả mọi người giờ chưa ai có công việc ổn định. Nếu tiếp tục sang Hà Tĩnh làm công nhân thì sợ gặp tai nạn một lần nữa, nhưng cứ ở quê như thế này thì không biết sống tiếp làm sao, đành phải ăn Tết ở nhà xong rồi tính tiếp.

Ông Lê Hồng Thịnh (SN 1970, bố nạn nhân Mạnh) cho biết gia đình rất vui mừng khi thấy con trai trở về nhà an toàn, nhưng từ sau đó thì sức khỏe của anh Mạnh có phần giảm sút, ăn uống thất thường. Gia đình đã đưa anh Mạnh đi bệnh viện kiểm tra lần nữa, mặc dù không có hiện tượng bất thường nhưng bác sỹ vẫn khuyên gia đình nên chú ý theo dõi.

“Sau khi trở về, chúng tôi không cho nó đi đâu xa mà tập trung tầm bổ, tiền bạc thì quan trọng thật nhưng quý nhất vẫn là sức khỏe. Sau đó Mạnh xin chúng tôi đi làm phụ hồ trong xã, vì hoàn cảnh gia đình nên chúng tôi cũng đành phải đồng ý”, ông Thịnh nói.

Anh Mạnh cho biết, năm nay sẽ ở nhà đón Tết với gia đình, không phải ai cũng may mắn sống sót để gặp người thân như anh. Thế nhưng, vì hoàn cảnh khó khăn chắc ra Tết anh vẫn phải tìm việc đi làm để nuôi gia đình và chính bản thân.

Anh Ngọc

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: gia dình Nghệ An