Nhiều phụ huynh ủng hộ quy định cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học nhưng nhiều phụ huynh cho rằng việc cấm tiệt sẽ làm gia đình khó khăn hơn trong việc rèn nề nếp cho con cái.
Ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa chỉ thị các địa phương chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc các sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học ở địa phương quán triệt đến từng giáo viên các quy định về dạy thêm, học thêm và nội dung đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để mọi người hiểu rõ và làm đúng quy định.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; Nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; Khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp.
Ảnh minh họa
Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày, giáo viên chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; Không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.
Bộ giáo dục cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ.
Sau khi chỉ đạo này được phát đi, trên nhiều diễn đàn các phụ huynh đã có những cuộc tranh luận sôi nổi với hai luồng ý kiến trái chiều giữa một bên ủng hộ, một bên cho rằng "cấm tiệt là bất cập", nhất là khi kiến thức trong sách giáo khoa của học sinh tiểu học hiện nay khá nặng.
Theo chị Nguyễn Nguyệt Hà (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trẻ học ở lớp đã khá mệt nên buổi tối về nhà cần được nghỉ ngơi, nếu bố mẹ muốn con nề nếp thì nên cho con học dưới hình thức trò chơi như đố nhanh hoặc học tiếng anh qua các câu chuyện, bài hát...
Ngược lại với quan điểm của chị Hà, chị Nguyễn Thị Huệ (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang học lớp 5 lại cho rằng, việc cô giáo cho bài tập vẫn là cần thiết để các con ôn lại các kiến thức đã học ở lớp.
"Ở tuổi các cháu nhanh nhớ những cũng rất nhanh quên nên việc ôn luyện là cần thiết. Bài tập ở nhà có thể hạn chế về số lượng, độ khó nhưng vẫn nên có. Điều này giúp các con giữ nề nếp, ý thức học tập và cũng là củng cố kiến thức học trên lớp", chị Huệ nói.
Đồng quan điểm, chị Phạm Thị Hương (Định Công, Phương Mai, Hà Nội) cũng cho rằng, ở lứa tuổi tiểu học, ý thức tự giác của đa số các con còn thấp nên cần sự giám sát, quản lý của người lớn. Hơn nữa, nhiều em nghe lời cô giáo hơn phụ huynh.
Trả lời phỏng vấn trên Một thế giới, GS.TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng, cấm giao bài tập về nhà là đúng.
"Tôi thấy cấm là đúng, dù quy định này không chỉ tạo nên hai luồng, mà là nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tiểu học đã học hai buổi/ngày rồi, còn bắt các cháu về nhà học làm gì, không cần thiết. Xã hội lành mạnh thì con người cần nhiều thứ chứ không phải chỉ học. Phổ thông ngày xưa làm gì có học thêm mà rồi vẫn nhiều người giỏi", ông Hào nói.
Theo H.Minh/Người Đưa Tin