Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra khuyến cáo, những bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc trnong thời gian gần đây nhiều khả năng ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt các nước phát triển và mới nổi G20.
Theo Báo cáo trước cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính của 20 nền kinh tế G20 diễn ra vào cuối tuần này, IMF nhận định: những bất ổn của kinh tế Trung Quốc đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu, khiến tăng trưởng có thể giảm sút và các nước phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng lớn hơn dự kiến.
Những rủi ro của kinh tế Trung Quốc đang là nguy cơ đối với các nền kinh tế thế giới |
IMF đưa lý do, việc Trung Quốc chuyển dịch mô hình tăng trưởng chậm xuống 7%/năm; sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán hồi tháng 8 và rủi ro từ bong bóng bất động sản gia tăng… sẽ khiến những mối lo ngại từ Trung Quốc ngày càng lớn dần.
Dự kiến, báo cáo này sẽ được đem ra thỏa luận vào cuỗi tuần này giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi. “Nền kinh tế Trung Quốc đang chứa đựng nhiều rủi ro và nó có thể khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn. Các nước G20 cần có những Chính sách trợ giúp lẫn nhau để nâng cao tốc độ tăng trưởng và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn”, Báo cáo của IMF về triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước G20 nhấn mạnh.
Tin tức mới nhất, ngày 1/9, Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ đạt mức 49,7 điểm - thấp nhất kể từ tháng 8-2012 - đã đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc lại rơi vào cảnh ảm đạm. Ngay sau khi thông tin này được phát đi, hoàng loạt thị trường chứng khoán thế giới như Mỹ, Nhật, Anh… đã tụt giảm mạnh mẽ trong ngày 2/9.
Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF cho biết: Thị trường chứng khoán bi đát, các dữ liệu từ tăng trưởng và chỉ số sản xuất thấp và một loạt dữ liệu yếu kém của Trung Quốc không chỉ gây nhiều rủi ro cho nước này mà còn đặt các nỗ lực cải cách và cứu chữa của Chính phủ Trung Quốc không đạt được hiệu quả”.
IMF nhận định, khi kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới tăng trưởng chậm lại, điều đó sẽ khiến cho các nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn bởi Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, cơ sở sản xuất của nhiều hãng, tập đoàn lớn của thế giới….
Trong tháng 8/2015, Trung Quốc đã liên tục phá giá đồng tiền của mình để phục vụ tăng trưởng xuất khẩu và hạn chế các rủi ro về thanh khoản của nước này. Động thái phá giá của tiền đồng đã ảnh hưởng đến một loạt nước có hàng xuất khẩu vào Trung Quốc và lần lượt nhiều đồng tiền châu Á đã đồng loạt phá giá.
Phùng Tuấn