Lũ cùng đợt triều cường cao nhất trong gần nửa thế kỷ ở miền Tây khiến hàng loạt đê bao bị vỡ, nhiều nhà dân cùng hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp chìm trong biển nước. Theo các chuyên gia, tình trạng ngập lụt ở miền Tây sẽ ngày càng trầm trọng.
Theo VOV, những ngày qua, lũ kết hợp với triều cường vượt báo động 3 đã làm 7 bờ bao của 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng ở Cần Thơ bị vỡ, gây ngập nhiều nhà cửa; gần 450 ha vườn cây ăn trái ảnh hưởng; hơn 180 ha lúa và hoa màu ngã, hư hại.
Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, phường 5, TP. Vĩnh Long ngập rất sâu chiều 10/10, ngõ hẻm lại trở thành biển nước, người dân lao đao vì trở tay không kịp. (Ảnh: Infonet) |
Đến nay, triều cường đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao hơn so với đỉnh triều các năm. Trong các ngày tới nếu có mưa kết hợp với triều cường thì Cần Thơ sẽ còn ngập sâu.
Còn tại Vĩnh Long, đợt triều cường gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, 134 tuyến bờ bao với chiều dài hơn 93 km bị nước tràn; 77 đập thủy lợi bị tràn, vỡ… Học sinh tại 18 trường bị ngập sâu phải tạm nghỉ học đến hôm qua (12/10).
Trong khi đó, ở Hậu Giang, huyện Phụng Hiệp có diện tích mía bị ngập lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 3.000 ha, gấp 10 lần so với hai tuần trước.
Nhiều ngày qua, vườn xoài của người dân Cồn Khương ở TP. Cần Thơ bị ngập. (Ảnh: VnExpress) |
Theo Tổng cục phòng chống thiên tai, lũ đầu nguồn kết hợp với kỳ triều cường gây ngập kéo dài nhiều tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long đã vượt số liệu lịch sử 40 năm qua, mực nước cao nhất tại Mỹ Thuận đạt 2,07 m, Cần Thơ 2,23 m.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài triều cường thì lún đất và cốt nền thấp hơn mực nước biển là những nguyên nhân khiến tình trạng ngập lụt ở các tỉnh, thành ở Tây Nam Bộ ngày càng trầm trọng, đặc biệt Cần Thơ là vùng trũng nên có cảm giác lún nhiều hơn.
TS. Lê Anh Tuấn – Phó Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, diễn biến triều cường năm nay đặc biệt, cao bất thường do từ tự nhiên và cả con người. Mỗi năm miền Tây bị lún 2-3 cm, gấp 10 lần nước biển dâng. Những nơi nền đất yếu có nhiều công trình hoặc chỗ bị rút nước ngầm nhiều thì mức độ lún nhiều hơn.
Người dân khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cố gắng gia cố lại một đoạn đê bao bị vỡ. (Ảnh: Lao Động) |
Báo cáo Tác động của 25 năm khai thác nước ngầm lên sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2017 cho thấy, trong 25 năm qua (1991-2015), miền Tây đã sụt lún trung bình 18 cm; một số nơi, nền đất đã lún 25-35 cm. Trong đó, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… mỗi ngày có hàng trăm nghìn mét khối nước được rút lên từ lòng đất. Nguyên nhân chính do khai thác nước ngầm.
VnExpress dẫn lời ông Laurent Umans – Bí thư thứ nhất về Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại sứ quán Hà Lan), khu vực Mekong đang chìm, đất sụt lún 2,5 cm mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng; trong khi nước biển dâng hàng năm 3 mm. Vị này cảnh báo đây mối đe dọa có tính sống còn với người dân nơi đây khi tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn diễn biến phức tạp.
Trang Vũ (Tổng hợp)