Xuất phát từ một lời đề nghị của người bạn, Trung úy cảnh sát Song Jun-han ở Seoul (Hàn Quốc) đã quyết định chơi đàn mỗi tuần để ngăn chặn nạn bạo lực học đường.
Theo Dân trí dẫn nguồn từ Yonhap cho biết, bắt đầu từ tháng trước, Trung úy cảnh sát Song Jun-han ở đồn cảnh sát Seoul Mapo sẽ chơi đàn ghita hai lần mỗi tháng ở một đường phố gần Trường đại học Hongik (tây bắc Seoul). Để có thể tuyên truyền về bạo lực học đường, trong quá trình chơi đàn, anh sẽ đưa ra các câu hỏi về bạo lực học đường để khán giả trả lời.
Trung úy Song chơi đàn ghi ta ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh: Yonhap |
Trung úy Song cho biết, anh bắt đầu có ý tưởng chơi đàn để chống bạo lực học đường là do một người đồng nghiệp của Trung úy đã đề nghị anh đóng góp khả năng chơi đàn ghita khi thực hiện một chiến dịch ngăn chặn bạo lực học đường và anh đã sẵn sàng đồng ý.
Việc chơi đàn đã giúp anh kết nối được với các học sinh và các em bắt đầu trò chuyện, chia sẻ với anh. “Điều này thực sự có tác dụng tích cực vì các em học sinh, sinh viên bắt đầu cởi mở trò chuyện với chúng tôi", Song cho biết.
Không dừng lại ở việc chơi đàn ghita mỗi khi tham gia các chương trình ngăn chặn bạo lực học đường, Trung úy Song còn dạy ghita mỗi tuần một buổi cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và yêu thích âm nhạc. 70 học sinh đã được anh dạy ghita tính đến thời điểm hiện tại.
Được biết, Trung ý Song bắt đầu chơi đàn ghi ta từ hồi học cấp 2, anh đã từng chơi trong nhiều ban nhạc, có khi là biểu diễn trên sân khấu với những ca sĩ được đông đảo khán giả yêu mến.
Tuy nhiên, khi bước vào độ tuổi gần 30, anh đã chuyển sang làm cảnh sát để trang trải kinh tế gia đình. Với niềm yêu thích âm nhạc và mong muốn giúp đỡ học sinh, Trung ý Song đã quyết định chuyển sang làm cảnh sát phụ trách trường học để tập trung vào việc giúp học sinh bằng âm nhạc.
Lê Vy (tổng hợp)