Chiều 25/11, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có văn bản, đề nghị các bộ: Xây dựng, GTVT, Công Thương, NN&PTNT, các miền Bắc và Thanh Hóa rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất đến các công trình xây dựng, nhất là hồ chứa, nhà cao tầng, khu vực có nguy cơ sạt lở để có phương án đảm bảo an toàn.
Theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại thì chưa có thiệt hại về người, nhưng tại khu vực xã Đàm Thuỷ (gần biên giới Trung Quốc) đã xảy ra hiện tượng đá lở khiến một xe ô tô 4 chỗ đỗ dưới chân núi bị hư hỏng. Ảnh: FB
Các địa phương chỉ đạo hệ thống, chủ công trình kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về mức đảm bảo an toàn của các công trình để người dân chủ động ứng phó, tránh tâm lý hoang mang.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng lưu ý các địa phương kiểm tra hệ thống các hồ chứa nước và hạ du, nhất là các hồ chứa nhỏ có nguy cơ bị ảnh hưởng để có phương án ứng phó phù hợp.
Theo Viện Vật lý địa cầu, những ngày qua, nhiều trận động đất đã xảy ra ở Bắc bộ và khu vực lân cận ở các nước Trung Quốc, Lào.
Riêng sáng 25/11, 2 trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, trong đó có 1 trận có độ lợn tới 5,4 độ richter xảy ra vào lúc 8h18, tại vị trí có tọa độ (22.852 độ vĩ Bắc, 106.618 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km.
Nhiều người dân sống tại các tòa nhà cao tầng, khu chung cư ở TP Hà Nội, Lạng Sơn, Phú Thọ, Cao Bằng... chia sẻ họ cảm nhận rõ ràng sự rung lắc của trận động đất này.
Hình ảnh trên mạng xã hội cũng cho thấy đã có hiện tượng đá lở tại xã Đàm Thủy do ảnh hưởng động đất ở Trùng Khánh.
Trận động đất thứ hai xảy ra vào lúc 10h56 phút, có cường độ nhẹ hơn với độ lớn 3,8 độ richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.810 độ vĩ Bắc, 106.620 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Lý giải về nguyên nhân gây ra trận động đất này, Trên PLO dẫn lời PGS.TS Nguyễn Hồng Phương Viện Vật lý địa cầu cho biết những trận động đất này đều phát sinh do tự nhiên, xảy ra trên các đứt gãy hoạt động, những vết nứt trên vỏ rắn của Trái Đất, là những kẽ hở để năng lượng trong lòng đất phát ra.
Trong nhân của Trái Đất có vật chất nóng chảy vài nghìn độ, có xu thế phát ra ngoài dưới nhiều dạng như núi lửa...
Tại khu vực Cao Bằng, có một số đứt gãy đã được các nhà địa chấn Việt Nam vạch lên bản đồ, xác định đó là những đứt gãy có khả năng phát sinh động đất.