Trong 4 tháng đầu năm đã phát hiện gần 2.800 người đi khám từ 50 lần trở lên với hơn 160.000 lượt khám, trong đó người khám nhiều nhất là 123 lần, kể cả ngày nghỉ, lễ tết.
Nhờ phần mềm giám định thông tin kết nối rộng rãi đến tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, BHXH đã thống kê được nhiều trường hợp trục lợi BHYT. Ảnh minh họa |
Theo thông tin trên VnEpress, Tri thức trực tuyến, VOV, chiều 23/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết chỉ trong 4 tháng đầu năm đã phát hiện gần 2.800 người đi khám từ 50 lần trở lên với hơn 160.000 lượt khám, trong đó người khám nhiều nhất là 123 lần, kể cả ngày nghỉ, lễ tết.
Ngoài ra, 195 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở y tế trở lên với số tiền trên 7,7 tỷ đồng.
Đơn cử, một bệnh nhân nữ thuộc diện bảo trợ xã hội tại TP. HCM khám 57 lần tại 13 cơ sở y tế, tổng chi phí gần 40 triệu đồng. Người này thường xuyên đi khám 2 đến 3 lần một ngày tại các cơ sở y tế tuyến huyện ở TP. HCM. Bà được chỉ định nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh xương khớp, tiết niệu, mắt, tai mũi họng, phổi, viêm xoang, thần kinh, hen...
Một người hưu trí khác cũng khám 58 lần tại 15 cơ sở y tế, tổng chi phí gần 31 triệu đồng. Mỗi ngày, người bệnh này đi khám tại 2-3 cơ sở y tế, được chẩn đoán và cấp thuốc điều trị các bệnh khác nhau như tăng huyết áp, bệnh hô hấp...
Ví dụ, ngày 9/1 người này lĩnh thuốc Simbicort 2 tub tại 2 cơ sở khám chữa bệnh, ngày 3/3 lĩnh Aprovel 28 viên, 3 ngày sau nhận tiếp 14 viên thuốc này. Ngày 4/4 người bệnh này lĩnh thuốc Procaralan 7.5mg 28 viên, 3 ngày sau nhận tiếp 15 viên, một ngày sau tiếp tục 60 viên. Sang tháng 5, người này cũng lĩnh thuốc 2 lần vào ngày 9 có 60 viên và ngày 15 là 28 viên.
Theo ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng ban phụ trách Ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), tại nhiều bệnh viện đã có hiện tượng “cắt nát” bệnh nhân để chi dịch vụ thanh toán với BHYT.
Có trường hợp trên 1 phim chụp cẳng chân nhìn rõ xương cổ chân, xương khớp gối, xương cẳng chân, xương gót, nhưng nhiều bệnh viện đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội thanh toán 3 dịch vụ khác nhau: chụp xương cẳng chân, cổ chân, gót chân…
Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm giám định và thanh toán đa tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua phân tích dữ liệu toàn quốc, bước đầu đã phát hiện những trường hợp bất thường như kéo dài ngày nằm viện, đề nghị thanh toán không đúng quy định, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, không đúng quy trình kỹ thuật, áp sai giá dịch vụ, tách dịch vụ để thanh toán.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, hệ thống giám định đã phát hiện và từ chối trên 10% hồ sơ đề nghị thanh toán với số tiền gần 3.000 tỷ đồng do sai thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sai mức hưởng, đề nghị thanh toán trùng lặp hoặc chỉ định thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật ngày phạm vi hưởng bảo hiểm y tế, dữ liệu mã hóa không đúng danh mục dùng chung. bảo hiểm xã hội một số tỉnh đã giám định chủ động và từ chối thanh toán trên 9,7 tỷ đồng.
Đức Hòa (tổng hợp)