Vừa cất tiếng khóc chào đời, số phận trớ trêu đã không cho Hà Văn Tài (8 tuổi) ở thôn Kim Đâu 3, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị có được đôi tay lành lặn như bao người khác nhưng cậu bé đã làm nên điều kỳ diệu, viết nên đời mình bằng đôi chân...
Chênh vênh ngày đến trường
Ngôi nhà của bà ngoại em Hà Văn Tài nằm bên cạnh con đường bê tông nối thôn Kim Đâu 3 với đường xuyên á. Khi chúng tôi vừa đặt chân đến, cũng đúng lúc bà Hà Thị Bướm (SN 1958 - bà ngoại của Tài) đang chuẩn bị sách vở để đưa Tài đến trường trong buổi học chiều. Để mục sở thị về nghị lực của bé không tay này chúng tôi đã theo hai bà cháu đến trường học.
Sau khi Tài đã vào lớp, bà Bướm mới yên tâm dành thời gian ngồi tiếp chuyện với chúng tôi. Đôi mắt bà đượm buồn khi chúng tôi nhắc đến đứa cháu ngoại kém may mắn. Bà Bướm sinh được hai người con gái. Mẹ của Tài là người con gái đầu tên Hà Thị Hương (SN 1989).
Cách đây 9 năm về trước, chị Hương đem lòng yêu một người con trai xứ Huế ra Quảng Trị làm việc. "Cứ tưởng con Hương tìm được "bến đỗ" cho đời nó. Ai ngờ khi nó mang thai, gã đàn ông kia lẳng lặng bỏ đi không một lời từ biệt...
Ở nhà Tài dành nhiều thời gian để luyện tập viết chữ
Ngày con gái trở dạ, tui đưa con đến trạm Y tế xã Cam An chờ sinh nở. Ngồi đợi con sinh mấy tiếng đồng hồ lâu quá, lòng dạ tui bồn chồn không yên. May thay tiếng khóc của đứa cháu cũng vang lên, tui mừng đến chảy nước mắt. Rồi các y, bác sỹ của trạm Y tế xã Cam An gọi vào nhìn mặt cháu ngoại. Khi đó tui chạy vào cạnh con gái, thấy nó ôm mặt khóc nức nở, tui ẵm cháu lên không tin nổi vào mắt mình, đứa cháu ngoại còn đỏ hỏn không có đôi tay, chỉ có đôi chân bên ngắn bên dài. Lúc đó, tui đã khóc òa", bà Bướm ngậm ngùi kể lại.
Tài mang họ mẹ. Bà và mẹ đặt tên cho em là Hà Văn Tài với mong muốn em lớn lên "có thật nhiều cái tài để mà thắng lấy cái tật". Từ nhỏ Tài đã thiếu vắng hơi ấm của mẹ. Khi Tài vừa được 3 tuổi thì mẹ đi lấy chồng để em cho bà ngoại cưu mang chăm sóc. Để chăm lo cho Tài, bà ngoại em phải sớm hôm vất vả lo cho em từng bữa ăn. Tuổi thơ của Tài là những ngày tháng bữa đói bữa no...
"Tui còn nhớ có lần thằng Tài hỏi tui răng thấy bạn trong xóm có tay tại sao cháu không có tay? Lúc đó tui phải nén nước mắt nói cho cháu hiểu rồi an ủi, động viên cháu gắng vượt qua. Nuôi cháu đã vất vả, đến tuổi đi học càng gặp nhiều gian nan. Thấy cháu thích đi học, tui lặn lội đạp xe đưa nó đến nhiều trường tiểu học nhưng ở đâu họ cũng đều từ chối vì sợ cháu nó như vậy khó mà hòa nhập, học tập tốt được như các cháu lành lặn khác. Cứ mỗi lần bồng cháu đi xin học không thành công, về nhà nhìn ánh mắt buồn bã, thất vọng của cháu là tui không cầm lòng được", bà Bướm kể.
Sau này, để Tài được đến trường, bà Bướm đành mang Tài vào trường Khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu (TP. Đông Hà) để xin cho Tài đi học. Bất kể trời nắng hay mưa gió bà Bướm đều đạp xe chở Tài vào TP.Đông Hà theo học con chữ. Học được gần một tháng thì các thầy cô nơi đây thấy Tài hoạt bát, thông minh nên khuyên bà đưa cháu Tài về học trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Cam An) để cháu được học với các bạn lành lặn khác, điều đó sẽ giúp cháu phát triển bình thường.
Nghe lời thầy, cô giáo ở trường Khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu khuyên vậy, nhưng trong lòng bà Bướm rất lo lắng, bởi bà sợ trường không nhận cháu Tài vào học. Và rồi điều "kỳ diệu" đã đến với Tài khi Ban giám hiệu trường Tiểu học Lê Văn Tám quyết định nhận em vào học tại trường. "Nghe tin đó tui mừng lắm. Nhìn vẻ mặt phấn khởi của cháu vì sắp được đến trường học mà lòng tui vui khôn xiết" - bà Bướm tâm sự.
Đôi chân kỳ diệu
Ngày Tài được nhận vào học, cô giáo Hoàng Thị Sành chủ nhiệm lớp 1 của Tài rất lo lắng. Bởi cầm tay tập viết chữ cho những em học sinh lành lặn đã khó khăn, huống hồ em Tài lại không có đôi tay. Nhớ lại những ngày tháng luyện chữ cho Tài, cô Sành chia sẻ:
"Thú thật, trong cuộc đời làm giáo viên của mình, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như em Tài. Đây là lần đầu tiên tôi cầm chân luyện chữ nên bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn. Những ngày đầu tiên em Tài đến lớp, tôi chưa dạy em tập viết chữ ngay, thay vào đó tôi làm quen, nói chuyện với em để tạo dựng mối quan hệ thân thiết giữa cô và trò. Trong quá trình học, thấy em không thể ngồi học trên bộ bàn ghế dành cho học sinh bình thường, tôi đề xuất với Ban giám hiệu thuê thợ đo đạc, đóng mới một bộ bàn ghế phù hợp với em để có thể ngồi học thoải mái, thuận lợi. Bộ bàn ghế này thiết kế khá "đặc biệt" bởi bàn cao hơn mặt đất có 35cm, chiều cao của bàn cao bằng ghế, diện tích mặt bàn rộng để em có thể dùng chân viết chữ thoải mái và tự mình trèo lên, tụt xuống dễ dàng trong mọi hoạt động. Khi em đã quen với mọi thứ, tôi mới bắt đầu cầm chân Tài tập viết chữ. Khoảng mấy tháng sau thì em Tài bắt đầu viết được những chữ cái đầu tiên trong cuộc đời mình".
Trong quá trình luyện chữ, học tập, cô giáo Sành đã không biết bao nhiêu lần chứng kiến cảnh Tài chăm chỉ luyện tập viết đến cả hai chân bị "chuột rút". Những lúc ấy nhìn gương mặt em nhăn nhó đến toát cả mồ hôi vì đau đớn, cô giáo Sành lại tự nhủ với bản thân phải giúp Tài nhiều hơn nữa.
Để tiếp cho Tài thêm nghị lực vượt qua khó khăn, cô giáo Sành đã kể cho em nghe tấm gương vượt khó của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và động viên em cũng phải cố gắng như thầy Nguyễn Ngọc Ký để viết được chữ, để học thành tài. Hà Văn Tài giờ đây đã lên lớp 2, do cô giáo Võ Thị Hà đứng lớp làm chủ nhiệm. Trên bộ bàn ghế "đặc biệt" của mình, Tài chăm chú nghe cô giáo giảng và dùng đôi chân kẹp bút ghi lại những điều cô giảng. Nhìn những nét chữ tròn trịa và đều đặn của Tài, không ai nghĩ nó lại được viết từ bàn chân của em. Đến giờ ra chơi, trong khi các bạn trong lớp chạy ào ra sân để chơi thì em Tài lại lặng lẽ ngồi yên trên ghế. Chúng tôi cùng cô giáo Võ Thị Hà đến ngồi bên cạnh. Cô giáo Hà cười hiền rồi ân cần hỏi Tài sao không ra chơi với các bạn? Tài nhoẻn cười trả lời do chân bị đau nên không ra sân chơi với các bạn được. Khi chúng tôi hỏi ước mơ của Tài sau này làm gì? Tài trả lời dứt khoát là mình sẽ làm thầy giáo để dạy học như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký mà cô giáo Sành đã kể cho em nghe.
Nói về Tài, cô Hà cho biết: "Tài thông minh, hoạt bát lắm, biết nghe lời. Mặc dù đến bây giờ Tài chưa phải là học sinh khá, giỏi nhưng em rất chịu khó trong học tập, chữ viết của em ngày càng đẹp lên. Trong lớp em Tài chơi rất hòa đồng cùng các bạn, các bạn biết hoàn cảnh của Tài nên cũng rất thương và chẳng bao giờ trêu chọc gì em".
Còn ở nhà, Tài đã có thể tự chăm sóc bản thân. Bà Bướm vui vẻ kể: "Để có thể dùng chân phục vụ cho mọi sinh hoạt, cháu nó đã phải tập tành rất gian khổ. Nhiều lần nhìn nó tập xúc cơm ăn, tập uống nước làm các thứ đổ khắp người, tui bảo để tui làm hộ cho mà nó không chịu. Nó còn cười nói với tui, cháu lớn rồi để cháu tự làm cho quen. Tui nghe mà mừng rớt nước mắt vì nó còn nhỏ mà đã có ý thức không muốn dựa dẫm người khác. Giờ từ ăn uống đến đánh răng rửa mặt cháu nó làm rất thuần thục".
Tạm chia tay hai bà cháu Tài, chúng tôi quay trở về TP. Đông Hà trong niềm khâm phục về cậu bé không tay. Tôi tin rằng giấc mơ làm thầy giáo trong tương lai của em Tài sẽ trở thành hiện thực bởi tôi đã nhìn thấy nghị lực và niềm khát khao đó ở trong ánh mắt của em...
Theo Nguyễn Quỳnh/Đời sống và Pháp luật