Tin mới

Cầu xây 3 năm không xong, HS vẫn "phượt" để tới trường

Thứ hai, 22/09/2014, 14:43 (GMT+7)

Vượt gần chục cây số đường rừng, trèo đèo lội suối và trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối, đó là câu chuyện thường nhật của các thầy cô giáo trong hành trình vượt sông đưa con chữ đến với thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk

Vượt gần chục cây số đường rừng, trèo đèo lội suối và trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối, đó là câu chuyện thường nhật của các thầy cô giáo trong hành trình vượt sông đưa con chữ đến với thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk

Thầy cô và học sinh đi qua cầu tạm đến điểm trường

Ngồi bè, vượt lũ đến trường

Theo chân những cô giáo trường mầm non về với thôn Noh Prông, xã Hòa Phong mới thấy sự nhọc nhằn của những người nơi đây. Và câu chuyện thầy cô đến trường với những trang giáo án lấm lem bùn, quần áo nhuốm màu đất đỏ vì trượt ngã trên gập ghềnh đường đi. Có lẽ trong tâm trí của những người thầy cô giáo nơi này luôn động lại những kỷ niệm có cả buổi học thầy cô và học sinh đều lấm lem như nhau.

Cô Lê Thị Hà - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Hòa Phong cho biết: “Đã hơn 10 năm liên tiếp tôi vào thôn giảng dạy cùng với đó là nhọc nhằn khôn tả. Vào mùa mưa có khi đi bộ cả tháng. Chuyện trượt ngã và lấm lem bùn đỏ là chuyện thường xuyên. Thậm chí, thầy cô phải mang theo cơm để ăn, nhiều hôm muộn quá đành ở lại ngày mai dạy tiếp.

Theo chân thầy Trần Hữu Liên, giáo viên môn toán, trường THCS Hòa Phong, từ trung tâm xã vượt gần 10 cây số trên con đường rừng vắng vẻ bụi bay mù mịt, lổm ngổm ổ voi, ổ gà, những đoạn đường lầy lội, ngập ngụa bùn đất có đoạn phải băng qua rẫy cà phê của người dân. Điều đáng sợ hơn là cây cầu tạm để đi qua thôn Noh Prông chỉ được ghép từ những tấm ván mỏng, những thân cây làm chân đỡ.

“Điểm trường mầm non và tiểu học có khoảng chục năm rồi, còn điểm trường THCS mới có năm ngoái, từ khi có điểm trường tỉ lệ bỏ học chỉ còn 1%. Cứ mỗi mùa mưa đến, nước ngập cầu, thầy cô được người dân kéo qua sông bằng chiếc bè lồ ô tự chế. Có khi đang kéo dây bị đứt, bè trôi chơ vơ giữa sông, phải đợi bè mắc vào đâu đó rồi dân ra kéo vào”. Thầy Liên kể.

Hàng năm, học sinh thôn Noh Prông phải đi trên con đường lầy lội

Còn với cô Hứa Văn Thành Vương (Giáo viên trường Tiểu học Cẩm Phong) may mắn nhất là lần đang ngồi trên chiếc bè vượt lũ để người dân kéo qua, “không hiểu sao chân mắc dưới khe hở của các cây tre lồ ô kết lại, khiến không rút được, nên đã ngã ngửa xuống sông cuồn cuộn, may mắn được người dân cứu kịp thời”. Nghĩ đến giờ, cô Vương vẫn còn hãi hùng.

3 năm mới xong hai mố cầu

Ông Huỳnh Viết Trinh – Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Phong cho biết: Thôn Noh Prông là nơi sinh sống của 371 hộ và 2121 khẩu người đồng bào Mông di cư ngoài kế họach, trẻ em trong độ tuổi đi học chiếm 1/3. Nằm biệt lập bên kia suối Êa Noh Prông. Để vào được trong thôn giảng dạy, thầy cô phải đi qua chiếc cầu gỗ tạm bợ do dân trong thôn tự làm bắc qua con sông Krông Ana.

Mùa khô lòng sông trơ cạn đáy nhưng chỉ cần mưa từ 3 đến 4 ngày là dòng nước chảy cuồn cuộn; cầu năm nào cũng bị cuốn trôi, điện bị cắt cả thôn, người lớn không ra khỏi làng, thầy cô phải nghỉ dạy có khi cả tháng trời. Cũng chưa thể biết đến bao giờ thầy cô ở những bản vùng xa này mới có thể yên tâm đến lớp vào mùa mưa bão.

Hai mố cầu đứng phơi mưa phơi nắng mà cầu thì chưa được xây dựng

Năm học này, có tất thảy 35 thầy cô giáo từ mầm non đến trung học cơ sở hàng ngày phải lặn lội vào thôn dạy học. Nguyện vọng của tất cả thầy cô và người dân nơi đây đơn giản là cây cầu sớm được hoàn thành, an toàn và chắc chắn. Có lẽ niềm vui ấy cũng dần mỏi mắt, ngóng chờ cầu.

Khi được hỏi về dự án cầu dang dở, người dân mong ngóng từng ngày, một nhân viên kỹ thuật thuộc Ban quản lý dự án xây dựng huyện Krông Bông cho biết: “Cầu treo dây võng tại thôn Noh Prông có chiều dài 120m, tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng do tỉnh rót về tuy nhiên vốn bố trí không đồng đều, nhỏ giọt nên rót vốn đến đâu thì làm đến đó, hết vốn thì lại dừng. Hiện, đơn vị thi công đã hoàn thành 2 mố cầu và hai mái kè chiếm 60%. Dự kiến, đến hết năm 2014 sẽ xây xong cầu”.       

Theo Vĩnh Yên – Mai Thảo (Giao thông vận tải)

Video bạn có thể quan tâm:

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news