Tin mới

Chân dung thầy thuốc tự ứng cử thành công vào Quốc hội

Thứ năm, 09/06/2016, 11:20 (GMT+7)

Ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà Nội) là một trong hai người tự ứng cử đạt số phiếu trở thành đại biểu khoá 14.

Ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà Nội) là một trong hai người tự ứng cử đạt số phiếu trở thành đại biểu khoá 14.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 có 870 ứng cử viên chính thức, trong đó có 11 người tự ứng cử. Tại phiên họp sáng 8/6, Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết chỉ có 2 người tự ứng cử trúng Quốc hội khóa mới. 

Theo thông tin trên VnExpress, 2 người tự ứng cử có đủ số phiếu vào Quốc hội là ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương và ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco.

Ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà Nội) là một trong hai người tự ứng cử thành công vào Quốc hội khóa 14. Ảnh: An ninh Thủ đô

GS.TS – Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí sinh năm 1957, quê Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông Trí được phong Anh hùng lao động năm 2012, được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015. Ông là Viện trưởng kiêm Bí thư Đảng úy Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư – đơn vị AHLĐ 2015. Ông là người khởi xướng và tổ chức nhiều chương trình hiến máu nhân đạo lớn, trong đó phải kể đến chương trình Lễ hội Xuân hồng (đã được 9 kỳ) và Hành trình Đỏ (hành trình hiến máu xuyên Việt, đã được 3 kỳ).

Chia sẻ về việc tự ứng cử trên Infonet sau khi Hà Nội công bố danh sách 38 ứng viên đại biểu Quốc hội khoá XIV, ông Trí cho biết, suốt những năm tháng làm việc, qua những chuyến công tác tới khắp các nơi trên cả nước và ở nước ngoài, với những kiến thức được đào tạo trong trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội ông cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với đất nước nên đã ấp ủ việc ứng cử vào Quốc hội từ các khoá trước. 

 

Ông luôn nghĩ Quốc hội là diễn đàn lớn để nếu được trở thành Đại biểu quốc hội thì có thể đưa y tế đến gần nhân dân hơn và phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Ông nhận định rằng ngành y tế luôn "nóng" và nhất là trong nhiệm kỳ tới. Nay ông Trí đã gần 59 tuổi, hơn 1 năm nữa sẽ đến tuổi về hưu và theo ông đây là thời điểm để ông tham gia diễn đàn lớn Quốc hội, lúc này chính là lúc chín muồi để ông quyết định ứng cử Quốc hội khoá XIV. Nếu may mắn trúng cử thì ông có nhiều điều kiện và nhiều thời gian để hoàn thành được trọng trách của một người đại biểu Quốc hội.

 

Được biết, khi tiếp xúc cử tri, trong phần chương trình hành động, ông Nguyễn Anh Trí cho biết ưu tiên những nội dung liên quan đến y tế. Cụ thể, ông sẽ theo đuổi mục tiêu nhằm bảo đảm đủ máu phục vụ công tác chữa bệnh vì hiện nay còn thiếu khoảng 40% lượng máu cần thiết cho chữa bệnh. Cùng với đó là ngăn chặn bệnh tan máu bẩm sinh, đẩy mạnh các hoạt động về tế bào gốc ở Việt Nam, vấn đề y đức và quá tải bệnh viện...

Chân dung thầy thuốc tự ứng cử thành công vào Quốc hội

Ông Nguyễn Anh Trí trong chương trình hiến máu tình nguyện. Ảnh: Infonet

Trả lời câu hỏi "sẽ làm gì nếu trúng cử ĐBQH" khi trả lời phỏng vấn báo Giao thông, ông Trí cũng thẳng thắn chia sẻ: Chỉ riêng với ngành Y tế thôi,  đã có rất nhiều vấn đề rồi, từ vấn đề y đức, dịch bệnh,  câu chuyện quá tải, bảo hiểm y tế, thuốc điều trị, máu để truyền cho bệnh nhân, rồi ATVS TP….Trong đó, riêng vấn đề quá tải đã rất lớn. Hơn ai hết tôi hiểu về điều đó, từ thực tế của chính viện mình. Với quy mô thiết kế của Viện chỉ là 300 giường, nhưng Viện hiện đang thường xuyên có hơn 1.100 bệnh nhân 

nội trú, chưa kể mỗi bệnh nhân thường có một vài người nhà đi kèm. Nhu cầu không chỉ về chăm sóc thuốc men, máu… mà còn liên quan đến nhiều vấn đề đời sống, như thang máy, nước dùng, nhà vệ sinh, chống nóng…".

Theo Cảnh sát toàn cầu/Công an nhân dân, trên 30 năm công tác trong ngành Y tế, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã trở thành người anh hùng của ngành huyết học và truyền máu trong cả nước. Ông đã triển khai nhiều kỹ thuật mới để chẩn đoán và điều trị máu. Rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, nhờ vị giáo sư đầu ngành với nhiều sáng kiến mới được áp dụng trong điều kiện Việt Nam. Các bệnh về máu như tan máu bẩm sinh, bệnh ưa chảy máu, kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu hiểm nghèo đã mang lại niềm vui cho nhiều bệnh nhân bị các bệnh lý huyết học ác tính, thậm chí là ở giai đoạn cuối. 

Đặc biệt, ông là tác giả của "Lễ hội xuân hồng" và “Hành trình đỏ” - phong trào hiến máu do GS.TS Nguyễn Anh Trí phát động và có hiệu ứng sâu rộng trong lòng nhân dân nhiều năm nay. 

Cụ thể, năm 2004, tách ra từ Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương trở thành một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. GS.TS Nguyễn Anh Trí nhận nhiệm vụ Viện trưởng với nhiều khó khăn, trong đó khó khăn đầu tiên và lớn nhất là nhân lực. Bởi, lúc đó, các y bác sĩ giỏi phần lớn ở lại Bệnh viện Bạch Mai. 

Để phát triển bệnh viện, GS Nguyễn Anh Trí nghĩ ngay đến vấn đề đào tạo nhân lực. Theo đó, hơn 350 cán bộ chuyên khoa huyết học trong cả nước đã được GS Nguyễn Anh Trí ký quyết định cho đi học tập về cả chuyên môn lẫn quản lý ở nhiều quốc gia có nền y học phát triển như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore và Mỹ. 

Những cá nhân ưu tú này, sau thời gian được đào tạo, tiếp xúc với công nghệ tiên tiến ở các nước, đã trở về và trở thành những cán bộ chủ chốt của ngành huyết học và truyền máu tại thủ đô và các địa phương. Các trung tâm truyền máu trực thuộc Viện Huyết học và truyền máu trung ương hiện nay đã phủ sóng hầu khắp các tỉnh thành, có thể giải quyết cơ bản các vấn đề cấp bách về các bệnh liên quan đến máu cho bệnh nhân ở các địa phương. Mạng lưới của các trung tâm này được đánh giá là chuyên nghiệp và hoàn chỉnh nhất trong Bộ Y tế.

Trong hơn chục năm giữ cương vị là “kiến trúc sư trưởng” của ngành huyết học Việt Nam, GS Nguyễn Anh Trí cũng là người giải quyết cơ bản được một câu chuyện vốn vô cùng bế tắc trong y tế từ xưa đến nay, đó là tình trạng thiếu máu. Sau nhiều lần chứng kiến cảnh thiếu máu, bác sĩ chờ bệnh nhân chờ, thậm chí có khi bác sĩ bất lực nhìn cơ hội sống của bệnh nhân trôi qua, bao nhiêu người phải đầu hàng số phận, GS Trí đã trằn trọc suy nghĩ và nhận ra rằng, chỉ có thể giải quyết được tình trạng khan máu, nếu như huy động được một phong trào sâu rộng trong toàn xã hội về hiến máu. Và ông khởi xướng hai phong trào lớn, “Lễ hội xuân hồng” sau Tết Nguyên đán và “Hành trình đỏ” vào mùa hè. 

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news