Xóm đường tàu có một tuyến đường sắt chạy qua, cũng nhiều gian hàng bé xinh và dãy nhà san sát nhau. Người dân hóm hỉnh, xóm đường tàu nhìn bên ngoài nhếch nhác thế thôi, mà y như phố cổ Thập Phần ở Đài Bắc, Đài Loan vậy đó.
Mưa rồi lại nắng, nắng rồi lại mưa,... Hà Nội những ngày đầu đông tuy nắng không còn dữ dội, nhưng ẩm ương đến lạ. Cuộc sống vốn ồn ào, tấp nập với những bộn bề lo toan. Nhưng đâu đó vẫn có những nhịp sống âm thầm và lặng lẽ, giống như âm thanh inh ỏi của còi tàu. Lướt qua nhanh và để lại đằng sau cả một không gian yên bình, gần gũi.
Ai đi đâu xa rồi đi tàu trở về Hà Nội, nhất là khi tàu đến ga lúc rạng sáng, chợt cảm nhận một thứ xúc cảm rất khó tả. Đặc biệt là giọng nói phát ra từ loa phát thanh. "Đoàn tàu đã đưa quý khách về với ga Hà Nội". Rồi lịch sử, rồi bài hát về Hà Nội vang lên. Xao xuyến bồi hồi dã man. Khi ấy, Hà Nội thật đẹp và bình dị từ chính những đoàn tàu.
Xóm đường tàu Hà Nội - điểm tham quan mới thời gian gần đây của Hà Nội.
Xóm đường tàu đẹp như làng cổ Thập Phần trở thành điểm "check-in" mới
Ga Hà Nội tồn tại bao nhiêu năm, thì cũng bấy nhiêu năm những tuyến đường sắt chạy quanh co khắp thành phố lặng lẽ hoà mình với nhịp sống nơi này. Người ta gọi với cái tên dung dị là "xóm đường tàu". Như bất kỳ thôn xóm nào, xóm đường tàu có đủ mọi sắc âm của cuộc sống, với đủ chuyện buồn vui cũ mới không lẫn vào đâu được. Như hai đứa trẻ trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Thạch Lam, cư dân nơi xóm đường tàu cũng háo hức, rộn ràng mỗi khi chuyến tàu đêm khi qua phố thị.
Khúc cong "huyền thoại" của tuyến đường sắt qua đây thu hút nhiều vị khách quốc tế. Từ ngày được lên báo nước ngoài như một địa điểm đáng-phải-đến-một-lần mỗi khi tới Hà Nội, xóm đường tàu tấp nập hẳn. Nhưng không gian trầm mặc của nó không hề bị phá vỡ. Du khách khắp nơi tới tham quan, đều "nâng niu" thôn xóm như chính người dân nơi đây gìn giữ nó mỗi ngày.
Nhiều du khách nước ngoài tìm đến xóm đường tàu tham quan, chụp ảnh.
Người dân hóm hỉnh, xóm đường tàu nhìn bên ngoài nhếch nhác thế thôi, mà y như phố cổ Thập Phần ở Đài Bắc, Đài Loan vậy đó. Âu chỉ thiếu mỗi đèn lồng là hoàn thiện. Nằm ở quận Pingxi của Đài Bắc, Thập Phần là một thị trấn cổ nổi tiếng với những chiếc đèn lồng và thác nước Thập Phần quyến rũ. Phố cổ Thập Phần có một tuyến đường sắt chạy qua, xây dựng xong năm 1921, dài 12,9 km để vận chuyển than và chạy qua Ruifang và Pingxi District tại thành phố.
Xóm đường tàu ở Hà Nội cũng có một tuyến đường sắt chạy qua, cũng nhiều gian hàng bé xinh và dãy nhà san sát nhau. Chính cuộc sống sinh hoạt đặc biệt trong mắt người nước ngoài đã thu hút rất đông du khách. Họ ngạc nhiên và tò mò về một con xóm nhỏ, bề rộng chỉ hơn 1km nhưng đặc biệt, khác lạ. Thành thử, không chỉ cầu Long Biên, tuyến phố cổ hay những địa điểm truyền thống, lâu đời của Hà Nội mà xóm đường tàu cũng dần trở thành "danh lam thắng cảnh" giữa Thủ đô.
Cái xóm bé tẹo, tưởng như ít ai biết đến lại có sức sống hàng chục năm nay, bỗng đi vào thơ ca và nhiếp ảnh bởi nét đẹp giản dị vốn có. Du khách rất thích tận hưởng trong phút chốc không gian sống chật hẹp nơi đây, được thoả thích ngồi nhâm nhi cốc cà phê. Rồi khi tiếng còi báo hiệu hú lên, họ tạt vào sát vách nhà dân, ló cái đầu ra, thích thú nhìn đoàn tàu đi qua phố.
Ai cũng tranh thủ ghi lại những bức ảnh thật đẹp.
Một thiếu nữ người Nhật duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam.
Dọc các căn nhà hay tiệm cà phê bé xinh san sát hai bên đường ray đều dán lịch chạy của tàu để người dân và du khách biết đến. Chỉ cần liếc qua thôi sẽ thấy, à 21h30 có tàu qua, họ sẽ ý thức chuẩn bị tâm lý "né" tàu để đảm bảo an toàn. Tàu chạy vào buổi đêm và rạng sáng nên thời gian ban ngày, nơi đây vắng vẻ.
Du khách nước ngoài thường bắt đầu đi vào đoạn đường sắt siêu hẹp ở điểm giao cắt phố Điện Biên Phủ hoặc điểm giao cắt phố Phùng Hưng, và kết thúc hành trình ở đoạn phố Phùng Hưng sau khi đã có trải nghiệm đặc biệt. Bây giờ chẳng cần đi đâu xa, ghé xóm đường tàu du khách đã có những bức ảnh "sống ảo" như được chụp bên Đài Loan.
Cuộc sống bình dị chờ chuyến tàu đêm đi qua phố huyện
Hà Nội 15h. Nắng vẫn rực rỡ. Tiết trời mát mẻ, dịu dàng. Xóm đường tàu - nơi tôi vẫn thường phi xe máy đánh vèo mỗi khi đi qua, sao nay khác lạ. Con ngõ với đường ray khổ 1m kéo dài từ đầu phố Điện Biên Phủ tới Phùng Hưng. Ở nhiều đoạn, khoảng cách từ nhà dân tới đường ray có lẽ chỉ từ 3 đến 5m. Chẳng ai rõ tự bao giờ, đường tàu bỗng hoà vào không gian sinh hoạt của người dân nơi đây, một không gian yên bình đượm màu cổ kính khác lạ.
Cả xóm chỉ dài khoảng 500 mét. Có những ngôi nhà cũ mới lẫn lộn, đủ màu sắc từ trầm mặc đến tươi sáng. Mọi ngóc ngách đều đẹp và thơ. Dân cư đủ các thế hệ người Hà Nội xưa, lẫn cả những người lao động từ khắp nơi đổ về. Cuộc sống giản đơn mỗi ngày, nhiều nét sinh hoạt đặc trưng không thể pha trộn.
Cuộc sống bình dị sát bên đường ray.
Bà chị tranh thủ hơ cái móng giò cho bữa tối.
Còn lũ nhỏ đứng bên hoan hỉ vui chơi.
Cứ chiều chiều, lũ trẻ con đi học về, dắt xe qua từng khúc đường ray. Nhiều gia đình bắc bếp nấu cơm ngay ngoài cửa, hướng thẳng ra đường. Khói lửa đốt than xa xa mờ ảo, hút tầm mắt. Tuy đất chật người đông, mỗi nhà mỗi khoảng đất vừa đủ đặt tivi, chiếc giường, nhưng sao ai cũng lưu luyến. Người ngoài thường thắc mắc, sướng gì cái chỗ đường tàu ấy, tàu kêu inh ỏi mỗi ngày, rồi đường thì hẹp, đất đá rải khắp nơi. Thậm chí xe để sát đường còn bị cuốn đi, bẹp dúm. Ấy thế mà, bao lớp thế hệ đã từng gắn bó vẫn không nỡ rời xa. Nhập gia tuỳ tục, sống đâu quen đó mất rồi. Thành thử, trong cái bất tiện, cư dân đường tàu lại thấy chả bất tiện một chút nào.
Lịch trình tàu chạy qua xóm thường vào sáng sớm và sau 21h đêm. Ban ngày, cả không gian đường tàu "thuộc" về người dân. Cứ hễ nghe tiếng còi hú, chiếc đèn lấp ló đằng xa, họ lại thì thào bảo nhau, "à tàu về". Vui vui, cả xóm cùng ló đầu xem chuyến tàu đêm đi ngang. Bao nhiêu năm, cả chục thế hệ người đến rồi đi, chả hiểu sao cứ mỗi lần tàu qua, họ vẫn tăm tắp ngó qua cửa sổ, đánh mắt nhìn đoàn tàu một cái. Vẫn rạo rực, hân hoan, dù tàu xuất hiện đều đặn mỗi ngày.
Con tàu cứ đi theo đúng lịch trình, không ngày nào ngơi nghỉ. Còn người dân hai bên đường cứ lặng lẽ, bình thản sống cuộc sống của mình.
Các cô ve chai tranh thủ phân loại thành phẩm.
Nụ cười giòn tan của các cô, các chị.
Mọi hoạt động sinh hoạt đều diễn ra trên đường tàu.
Căn nhà nhỏ nhìn ra đường tàu.
Một bác lớn tuổi dắt xe đạp về nhà.
Về đêm, xóm đường tàu quay về với sự trầm mặc vốn có.
MINH NHÂN - ẢNH: PHƯƠNG THẢO